Mục tiêu của TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đặt ra trong năm 2025 tăng lượng du khách quốc tế lên 12% trong tổng số du khách đến Đà Lạt. Còn đến năm 2030 thành phố tiếp tục nâng tỷ lệ du khách quốc tế lên mức 20%. Để đạt được con số này, có rất nhiều việc Đà Lạt cần phải làm.
Cần thêm các đường bay quốc tế với Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương
Khách quốc tế chiếm khoảng 6,7%
Đã có những tín hiệu lạc quan trong 4 năm gần đây, tính từ năm 2021 đến năm 2024, khi số du khách quốc tế đến Đà Lạt đang tăng lên trở lại. Trong 4 năm đó, có 2 năm, năm 2021 và đầu năm 2022, do tác động của đại dịch COVID-19 nên lượng du khách đến Đà Lạt giảm mạnh, không chỉ là du khách nội địa mà khách quốc tế cũng giảm. Theo thống kê của UBND TP Đà Lạt, trong năm 2021, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt chỉ đạt 1.970 ngàn lượt, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khách quốc tế khoảng 17 ngàn lượt người, giảm 84,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2022, khi dịch bệnh dần qua, tổng lượt khách đến Đà Lạt khoảng 6 triệu lượt, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế khoảng 135 ngàn lượt, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2023, có khoảng 6,7 triệu lượt du khách đến Đà Lạt; trong đó khách quốc tế khoảng 360 ngàn lượt, tăng 166,7%. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng lượt du khách đến khoảng 6,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế tăng lên với 437 ngàn lượt, tăng 36,6% so với cùng kỳ 2023.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2024, tổng lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 10 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách quốc tế ước đạt 600 ngàn lượt, tăng 50% so với năm 2023. Dù lượng du khách quốc tế đến Đà Lạt tăng nhanh, nhưng tính trong 10 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ du khách quốc tế chỉ đạt khoảng 6,7% so với tổng lượng khách đến Đà Lạt.
Trong giữa tháng 11/2024, Thành ủy Đà Lạt đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/ThU ban hành trong tháng 12/2021 về “Phát triển dịch vụ - du lịch chất lượng cao trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu trong năm 2025, tăng lượng du khách quốc tế trong tổng số du khách đến Đà Lạt đạt tỷ lệ 12% và đến năm 2030 phấn đấu lượng khách quốc tế đạt tỷ lệ 20%.
Cần thêm những đường bay kết nối
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Giám đốc Chi nhánh Vietravel tại Lâm Đồng - Đà Lạt cho rằng, để thêm du khách đến Đà Lạt, không chỉ là khách nội địa mà cả khách quốc tế, rất cần thêm những đường bay nội địa kết nối Đà Lạt với các tỉnh, thành trong nước và các đường bay quốc tế nối với Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương. Trong tham luận “Giải pháp và hiệu quả khai thác các chuyến du lịch (tour) liên kết các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách quốc tế đến Đà Lạt”, ông Nghĩa cho rằng thành phố cần định vị lại khách hàng mục tiêu, thay vì nói chung là “khách quốc tế”, có thể xác định cụ thể các thị trường mục tiêu tiềm năng để hướng đến.
Theo ông Nghĩa, du khách Hàn Quốc phần lớn theo các chuyến bay từ Cam Ranh - Khánh Hoà lên Đà Lạt, dù rất đông hiện nay nhưng phụ thuộc rất lớn vào mức độ ổn định của các đường bay này. Nếu duy trì tốt thì đây là nguồn khách lớn cho tỉnh. Trong khi đó, nguồn khách châu Âu hay khách Mỹ từ các thành phố lớn trong nước như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang đến Đà Lạt, chủ lực là “Tây ba lô”, thích mạo hiểm, chi phí không cao, không nhiều nhưng đều đặn. Còn du khách các quốc gia Đông Nam Á lân cận Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, hay Indonesia hiện đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
“Hầu hết du khách nước ngoài đến Đà Lạt đều muốn di chuyển bằng máy bay vì họ rất ngại đi đường bộ, mất nhiều thời gian. Với việc sân bay Liên Khương trở thành Cảng hàng không quốc tế, nếu mở thêm các đường bay mới nối kết Đà Lạt với các điểm đến trên thế giới nhất là với các quốc gia Đông Nam Á thì lượng khách quốc tế đến sẽ đông hơn”, bà Huỳnh Đoàn Xuân Ngộ - Trưởng Đại diện Vietravel tại Đà Lạt chia sẻ.
Thêm trải nghiệm cho du khách
Du khách quốc tế khi đến Đà Lạt, theo ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, họ rất quan tâm và cần những trải nghiệm thú vị ở vùng đất này. Trước nhất, đó là trải nghiệm về văn hóa thông qua việc khám phá các làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia các lễ hội, khám phá thiên nhiên, đi bộ, chạy địa hình, cắm trại, tham gia thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng, thư giãn tại các spa, resort, khách sạn cao cấp, chơi golf. Khách quốc tế cũng đến đây để tham dự các hội nghị khách hàng, các sự kiện thi đấu quốc tế; mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương, đặc biệt là nông sản.
Một địa phương mà theo ông Nghĩa, có thể so sánh với Đà Lạt là Chiang Mai của Thái Lan. Cả 2 thành phố này có rất nhiều nét tương đồng, có khí hậu mát mẻ quanh năm, đều nằm ở vùng cao nguyên, cả hai địa phương đều có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với đồi núi, rừng nguyên sinh và các hồ nước, thu hút khách du lịch muốn tránh nóng. Cả hai đều có văn hóa bản địa độc đáo, ẩm thực phong phú và các lễ hội truyền thống, đều là những điểm đến du lịch nổi tiếng và đang phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Đà Lạt và Chiang Mai cũng có những điểm khác nhau. Chiang Mai có một nền văn hoá đậm chất Phật giáo, ẩm thực cay nồng, nhiều món ăn đường phố; có các hoạt động về đêm phong phú; có sân bay quốc tế kết nối với nhiều điểm đến với thế giới nên thu hút rất nhiều du khách châu Âu và Bắc Mỹ; có giá cả sinh hoạt trung bình với nhiều lựa chọn cho khách hàng. Trong khi đó, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của Pháp trước đây, đậm chất văn hoá Việt, ẩm thực đa dạng. Khách du lịch Đà Lạt chủ yếu là nội địa, khách quốc tế còn chưa nhiều; giá cả sinh hoạt tương đối rẻ so với các điểm đến khác và tuy có sân bay quốc tế nhưng chưa có nhiều chuyến bay quốc tế.
Để cạnh tranh và phát triển như Chiang Mai, theo ông Nghĩa, Đà Lạt cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch bằng cách tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với từng nhóm khách hàng, kết hợp các yếu tố văn hóa, thiên nhiên, con người và ẩm thực địa phương. “Những sản phẩm về văn hóa hiện nay Đà Lạt cũng có nhưng chưa đổi mới và chưa thật sự hấp dẫn. Văn hóa bản địa truyền thống chưa được quan tâm nhiều để chuyển hóa thành sản phẩm du lịch, tạo ra trải nghiệm độc đáo để thu hút du khách”, ông Nghĩa cho biết.
Cùng với đó, Đà Lạt cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư vào đào tạo nhân lực, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất; có chiến lược tiếp thị hiệu quả thông qua việc quảng bá hình ảnh Đà Lạt đến các thị trường mục tiêu; xây dựng môi trường du lịch bền vững - xanh - minh bạch - an toàn, thân thiện, mang tính hỗ trợ cho doanh nghiệp lữ hành địa phương; xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; bảo tồn văn hóa địa phương và hợp tác với các đối tác là các hãng hàng không, lữ hành để tạo ra các gói “tour” hấp dẫn cũng như xây dựng hệ thống đánh giá và theo dõi, thiết lập các chỉ số KPI (Key Performance indicators) đo lường hiệu suất, hiệu quả, chất lượng thực hiện công việc thông qua số lượng khách, doanh thu, độ hài lòng của khách, tỷ lệ khách quay lại; sử dụng các công cụ khảo sát, phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu quả của các hoạt động nhằm điều chỉnh, sửa đổi kế hoạch dựa trên kết quả đánh giá để đảm bảo đạt được mục tiêu mà thành phố đã đề ra.
Viết Trọng
Báo Lâm Đồng Online - baolamdong.vn - Đăng ngày 03/01/2025