Việc phát triển làng nghề ở Lâm Đồng chưa thực sự chú trọng đến khía cạnh tăng cường sản phẩm du lịch đặc thù là một lãng phí lớn.
Điểm xuất phát của ngành du lịch Lâm Đồng chưa cao và ngành công nghiệp không khói này không có “bề dày” như nhiều địa phương khác. Nhưng Lâm Đồng có Đà Lạt và hàng loạt những sản phẩm đặc trưng miền núi lại là một lợi thế mà hiếm địa phương nào sánh kịp. Nói về sản phẩm truyền thống gắn với làng nghề của các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên, trước hết phải kể đến sản phẩm dệt thổ cẩm của những làng nghề nổi tiếng như thổ cẩm người Lạch dưới chân núi Langbian (làng Bnơ C), thổ cẩm dân tộc Mạ ở làng dệt Lộc Tân (Bảo Lộc), nghề rèn của người Mạ ở Đạ Huoai, nghề làm đồ gốm của người Chu-ru ở làng gốm Grăng Gõ (Đơn Dương), nghề đan lát của người Cơ- ho ở Di Linh, Đức Trọng...
Còn ở cộng đồng người Việt, nghề làm rượu vang ở Đà Lạt đã từ lâu khá nổi tiếng và hiện sản phẩm này đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các làng nghề sản xuất rau, hoa từ lâu luôn là điểm đến của du khách từ khắp nơi trong nước và cả nước ngoài. Tuy Lâm Đồng chưa phải là một tỉnh có kinh tế du lịch phát triển cao, nhưng đây luôn là địa phương có thế mạnh về sản phẩm du lịch đặc thù, mà một số trong đó là sản phẩm gần như duy nhất, nguyên bản và đại diện cho du lịch Lâm Đồng.
Hầu hết những sản phẩm nói trên đều gắn với làng nghề truyền thống, nhưng từ trước đến nay, việc phát triển làng nghề và sản phẩm của làng nghề ở Lâm Đồng chưa thực sự chú trọng đến yếu tố kinh tế du lịch. Trong đó, sự đầu tư phát triển làng dệt thổ cẩm dưới chân núi Langbian - làng dệt Bnơ C (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương) là một minh chứng. Để phát triển làng nghề truyền thống của người Lạch ở làng Bnơ C, được sự đầu tư của Nhà nước, một xưởng dệt ngay tại làng đã được mọc lên với không ít những kỳ vọng.
Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có lý do xây dựng làng nghề không gắn với du lịch, nhà xưởng xây xong chỉ “nhộn nhịp” được vài hôm đầu. Ngay như một nghệ nhân dệt ở làng Bnơ C được cắt cử xuống tận Ninh Thuận học hành một cách bài bản cũng buộc phải tự động bỏ xưởng lên núi (khu du lịch trên đỉnh Langbian) ngồi dệt thuê cho du khách.
Chị tâm sự: “Ở xưởng, dệt nhiều sản phẩm lắm nhưng ít người mua. Lâu lâu mới có một đoàn khách nước ngoài, đến xưởng, nhưng hầu hết chỉ nhìn ngắm và chụp hình thôi!”. Hoặc như, việc xây dựng thương hiệu rượu vang Đà Lạt trong những năm gần đây đã được chú trọng một cách đặc biệt và đã mang lại kết quả khá khả quan khi sản phẩm này được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Nhưng điều này hẳn sẽ chưa thật đầy đủ nếu như có một du khách nào đó sau khi thưởng thức ly rượu vang Đà Lạt bất ngờ đặt câu hỏi “Làng nghề của thứ sản phẩm này nằm ở đâu trên địa bàn thành phố Đà Lạt?”; bởi trong hiện tại, việc xây dựng một làng nghề rượu vang Đà Lạt - một làng nghề truyền thống đúng nghĩa - hầu như chưa được nghĩ tới!
Có thể khẳng định với Lâm Đồng, việc xây dựng làng nghề cần tính đến những sản phẩm tạo nền tảng để phát triển du lịch. Sản phẩm truyền thống của làng nghề chính là điều kiện cần để thu hút bước chân du khách đến với làng nghề. Và đã đến lúc tính đến chuyện phát triển du lịch nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế làng nghề - kinh tế nông thôn phát triển.
Nguồn : Lao động