Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Nguyễn Hoàng Sơn vừa chủ trì cuộc họp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội và một số sở, ngành liên quan để bàn về việc lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Trường Lũy là di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.
Trường Lũy Quảng Ngãi-Bình Định được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005. Trường Lũy có chiều dài khoảng 200km kéo dài từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) qua 9 huyện dọc theo dãy Trường Sơn, được xây dựng cách đây gần 200 năm dưới thời nhà Nguyễn. Theo các nhà nghiên cứu, Trường Lũy Quảng Ngãi-Bình Định là công trình thành lũy dài nhất Đông Nam Á. Do Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt cho xây dựng vào khoảng năm 1819. Lũy kéo dài từ Bắc xuống Nam, qua các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ của Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn, An Lão của Bình Định, dọc theo dãy Trường Sơn. Trường Lũy có chiều cao trung bình từ 1 đến 3 mét, mặt trên rộng 2,5 mét, chân dày tới 4 mét. Khai quật tại một số điểm như đồn Xóm Đèo, đồn Thiên Xuân... phát hiện nhiều đồ gốm, đất nung, sành. Ở khu vực núi cao, hiểm trở, di tích gần như còn nguyên vẹn. Ví dụ như ở Quảng Ngãi vẫn còn nguyên vẹn một số đồn lớn được bao bọc bởi lũy cao, dài 1-2km.
Một đoạn thành Trường Lũy tại Quảng Ngãi
Một đoạn thành Trường Lũy tại Quảng Ngãi Theo tài liệu lịch sử, trải dài theo Bờ Lũy có 115 đồn lớn, nhỏ. Mỗi đồn thường có 10 lính sơn phòng canh gác. Điều này cho thấy tính chất phòng vệ “thoáng” của Bờ Lũy: nó không ngăn chặn giao thương mà chỉ giúp kiểm soát an ninh.
Các nhà sử học vẫn chưa thống nhất quan điểm về lý do xây Trường Lũy. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là công trình che chở cho lực lượng quân sự đi dọc theo tuyến Bắc - Nam, một phần trong chiến lược phòng vệ đất nước lúc bấy giờ. Song cũng có ý kiến nhận định, lũy được xây do căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa cư dân cao nguyên và hạ du, hoặc để chống lại những cuộc nổi dậy của những người ủng hộ nhà Tây Sơn sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi mong muốn Trường Lũy sớm được lập các hồ sơ đề nghị công nhận là di tích quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho việc trùng tu, bảo vệ công trình này, tránh xâm hại đến công trình.
Được biết hiện nay UBND tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội sớm hoàn thiện hồ sơ trong năm 2010 đồng thời lập kế hoạch cắm mốc giới dọc theo Trường Lũy để bảo vệ và tổ chức hội thảo về công trình này trong năm 2011.
Nguồn : QĐND