Lễ đâm trâu thể hiện sự huyền bí, tinh thần thượng võ, khát vọng về sức mạnh và sự thịnh vượng đã được biểu hiện rõ nét trong từng phần của lễ hội.
Đặc biệt hơn nữa đối với người dân tộc S’tiêng (Bình Phước), con trâu là biểu tượng cho sự thịnh vượng và sức mạnh trong cộng đồng. Vì thế trâu thường được người đồng bào dân tộc sử dụng làm vật tế thần linh.
Lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc S’tiêng năm nay khác hơn so với mọi năm ở chỗ: được chính quyền tỉnh Bình Phước quan tâm tổ chức, nên thu hút đông đảo người dân trong tỉnh, du khách các tỉnh lân cận, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia. Phần Hội được diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/3 đã quy tụ 10 dân tộc thiểu số trong tỉnh tham gia Hội thi văn hóa thể thao dân tộc thiểu số với các môn thi Kéo co, bắn nỏ… Còn phần Lễ diễn ra tưng bừng vào đêm 9/3 với lễ hội ẩm thực, văn nghệ chào mừng, tuyên dương đoàn viên hội viên xuất sắc, đâm trâu cúng mùa lúa mới, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ giữa các trại và các dân tộc….
Trong không khí tưng bừng ấy, ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: Lễ hội đâm trâu được tổ chức như mừng chiến thắng, khánh thành nhà Rông, làm lễ cầu an, lễ phá điềm xấu, điểm gở cho cả buôn làng… thể hiện niềm kiêu hãnh, tự tin của cộng đồng và nhằm xua đuổi tà thần đến quấy nhiễu dân làng. Lễ hội đâm trâu mừng được mùa là một sinh hoạt văn hóa nổi bật nhất, mang tính tổng hợp cao, có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được huy động vào lễ hội.
Già làng Điểu Gié, một người đã hơn 30 năm có kinh nghiệm về Lễ hội đâm trâu cho biết: Thời điểm tháng 2 đến tháng 3 âm lịch hằng năm là lễ hội đâm trâu ở Bình Phước bắt đầu nhộn nhịp do lúc này mùa màng đã thu hoạch và chuẩn bị cho một năm mới với nhiều lời cầu ước. Nghi thức đâm trâu hiến tế cho thần linh được tổ chức trước sân nhà Rông hoặc nơi hội họp của làng. Cây Nêu dựng trước sân là biểu tượng chính của lễ hội, cây Nêu làm bằng tre được trang trí những hoa văn truyền thống, cùng hình tượng chim thú biểu trưng của đồng bào dân tộc. Một số thanh niên mang dây thừng bện bằng vỏ cây thật chắc lên rẫy tìm bắt con Trâu mang về cột vào gốc cây Nêu. Già làng chủ lễ cúng hồn lúa cúng Giàng, hát bài khóc trâu thật thống thiết... Buổi lễ diễn ra long trọng trong tiếng cồng chiêng sôi động, tiếng kèn, tiếng hò reo làm cho không khí vừa huyền bí vừa náo nức. Dân làng cử ra một chàng trai khỏe mạnh để đâm trâu, người thanh niên đóng khố cởi trần, già làng trao cho anh một cây lao đầu bịt sắt nhọn, người này nhảy múa quanh con trâu trong tiếng reo hò phấn khích của dân làng, tiếng cồng chiêng thúc giục, hai thanh niên khác chặt vào khuỷu chân con trâu lấy máu bôi vào cây nêu và kèn Glet. Sau đó là lễ cúng cho hồn lúa, một sợi dây chỉ tượng trưng cho đường đi được buộc từ kho lúa đền đầu con trâu, già làng lấy máu trâu hòa vào ché rượu rồi đổ vào các bình nước sau đó lấy nước này tưới lên kho lúa để tắm mát cho hồn lúa.
Già làng Điểu Gié cho biết thêm: Làm xong nghi lễ mọi người cùng hát múa, ăn mừng uống rượu cần thâu đêm trong tiếng kèn, nhạc và men rượu cần bên đống lửa. Người ta làm thịt trâu chia cho từng gia đình, tổ chức ăn uống theo từng nhà, máu con trâu được dùng để bôi vào trán mọi người như một sự cầu phúc. Dĩ nhiên mỗi nhà tùy theo khả năng có thể mổ thêm heo gà để cho bữa tiệc thêm phần thịnh soạn. Các thành viên ở trong buôn sẽ đến từng gia đình để chung vui, trước hết là những bà con thân thích, sau đó đến những người láng giềng thân cận. Sau cuộc tế lễ này, lúa mới được đưa ra sử dụng và bắt đầu những công việc như làm nhà, chuyển làng...
Trước sự quan tâm của chính quyền, Già làng Điểu Sơn ở sóc Trà Cố, xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập mừng rỡ nói: “Đây là dịp để người S’tiêng được giao lưu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, mong rằng trong những năm tiếp theo chính quyền tỉnh Bình Phước sẽ thường xuyên tổ chức những lễ hội như thế này, để văn hóa của người S’tiêng không bị mai một”.
Nguồn : Báo Du lịch