Lễ hội đền Lảnh Giang 2009 diễn ra tại Duy Tiên (Hà Nam) từ 23 -26.7 không chỉ mang ý nghĩa tâm linh truyền thống mà còn khiến người xem "mãn mục" bởi những yếu tố văn hoá đương đại.
Với chủ trương phục dựng lại các lễ hội xưa nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, Viện Văn hóa nghệ thuật VN đã kết hợp với địa phương phục dựng và nâng cấp lễ hội đền Lảnh Giang. Không đi theo lối mòn "rước, tế, lễ" của rất nhiều lễ hội khác, hội đền Lảnh Giang dùng một sân khấu lớn trình chiếu trên mặt hồ bằng kỹ xảo 3D và ánh sáng laze, dùng nghệ thuật rối nước tái hiện huyền tích với 3 con rắn khổng lồ.
Lễ hội đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trong xã. Các cô gái của làng dệt lụa thôn Nha Xá cũng gác lại công việc để tập múa, tập diễn. Chị Nguyễn Thị Tém - một trong 70 chị em tham gia màn múa nến, chia sẻ: "Vì công việc chung của xã nên ai cũng nhiệt tình tập luyện, chưa bao giờ chúng tôi có một lễ hội to và đẹp như thế này". Khách thập phương từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng... cũng có mặt từ rất sớm và tỏ ra rất thích thú với những màn biểu diễn kỳ thú.
TS Bùi Quang Thắng - Tổng đạo diễn lễ hội - cho rằng: "Người dân lâu nay vẫn "đói" món ăn tinh thần, tổ chức lễ hội theo hình thức mới là đặt lợi ích cộng đồng lên trên, nhưng không làm biến dạng truyền thống".
Cách phục dựng lại các diễn xướng dân gian hầu thánh, tái hiện huyền tích các vị thánh đền Lảnh Giang cũng là cách đưa nghệ thuật dân gian đến gần với quần chúng. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khá phổ biến ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện bởi 6 bản hội đến từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng".
Nói về nghệ thuật vẽ trên cơ thể, hoạ sĩ Phương Vũ Mạnh khẳng định: "Đây không phải là nghệ thuật đương đại độc lập mà là một bộ phận nằm trong lễ hội. Các họa sĩ được tự do sáng tạo, nhưng vẫn có sự kết nối câu chuyện của ngày hôm nay với tích xưa qua các hoạ tiết cổ".
Đã có nhiều ý kiến e ngại: Một lễ hội mang đậm chất truyền thống được đưa vào các yếu tố đương đại thì những người dân mộc mạc sẽ tiếp nhận như thế nào? TS Bùi Quang Thắng cho rằng, muốn lễ hội có bản sắc riêng, mỗi thời đại phải bổ sung, sáng tạo thêm, bảo tồn phát triển chứ không phải bảo tồn y nguyên. Kết hợp hài hoà giữa đương đại và truyền thống sẽ tạo nên sức hấp dẫn mà vẫn giữ nguyên được những giá trị của ông cha để lại.
Bình Nguyên - Laodong