Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2024 lần đầu tiên diễn ra tại quảng trường Trung tâm chính trị - hành chính TP Hải Phòng có sức chứa lên đến hơn 10.000 người...
Lễ hội hoa Phượng đỏ -Hải Phòng 2024 với
chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” được tổ chức với quy mô nội
dung, hình thức lớn nhất từ trước đến nay và được gắn với sự kiện UNESCO
vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật nhất trong
đó phải kể tới chương trình nghệ thuật mang chủ đề: “Hải Phòng - Bừng
sáng miền di sản” diễn ra lúc 20h00 ngày 11/5 (thứ Bảy) được dàn dựng
hết sức công phu nhằm thể hiện rõ nét và sinh động những giá trị vô giá,
nét đặc trưng tiêu biểu nhất về truyền thống lịch sử, di sản văn hoá,
đất và người Hải Phòng bằng thực cảnh được hình tượng hóa qua nhiều thủ
pháp nghệ thuật kết hợp công nghệ AR (Augmented Reality - thực tế ảo).
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn
hoá và Thể thao Hải Phòng cho biết, cùng với tâm điểm đêm hội “Hải
Phòng – Bừng sáng miền di sản”, những điểm nhấn tiếp theo sẽ là Lễ trao
nhận Quyết định, Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đền thờ Lê Khắc Cẩn tại
huyện An Lão; trưng bày Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hải Phòng; triển
lãm "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản" tại Trung tâm Chính trị - Hành
chính Bắc sông Cấm; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Hải
Phòng được UNESCO ghi danh tại Quảng trường nhà hát thành phố; Lễ hội áo
dài năm 2024 với chủ đề "Về miền di sản cửa biển" ...
Các hoạt động trên được xem là những
hiệu ứng quan trọng, đầy ý nghĩa, tạo không gian văn hóa đặc biệt cho Lễ
hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm nay.
Điều đặc biệt là ngay trong chương trình
nghệ thuật tối 11/5 tới, thành phố sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận
danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của
UNESCO, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Tổng đạo diễn Đặng Lê Minh Trí cho biết:
Chương trình được dàn dựng với yêu cầu chất lượng nghệ thuật cao với sự
tham gia của các nghệ sĩ, ca sỹ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành
phố gồm: Dàn nhạc dân tộc Việt Nam, dàn kèn đồng Trung ương, NSND Khánh
Hòa, NSND Thanh Lam; các ca sĩ: Thu Phương, Tùng Dương, Phương Linh,
Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik… cùng gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên .
Với công nghệ hiện đại, sân khấu của đêm
hội giúp khán giả ngồi ở bất cứ vị trí nào cũng có thể quan sát được
một cách rõ nét. Riêng hình tượng các cánh phượng được tạo hình vươn
lên, khớp với các tòa nhà công trình hiện đại của Trung tâm Chính trị -
Hành chính thành phố Hải Phòng, mang lại sự hoà hợp tương hỗ cùng những
biến chuyển ấn tượng với nhiều lớp diễn từ cao xuống thấp tạo cảm giác
xa gần, đồng thời biểu đạt kết nối trục thời gian: Quá khứ, hiện tại,
tương lai của miền đất nơi cửa biển.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành
phố cho biết, Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất. Địa
điểm tổ chức chương trình được chuyển sang khu Trung tâm Hành chính -
Chính trị mới cũng đã tạo nhiều cơ hội cho đông đảo người dân và du
khách đến tham dự trực tiếp.
Cụ thể, khu vực Quảng trường trên có sức
chứa lên đến 18.000 người (dự kiến ghế dành cho đại biểu tham dự gần
10.000 ghế). Trong khi đó, tại Quảng trường nhà hát thành phố (khu vực
nội thành) cũng sẽ lắp dựng một sân khấu để phục vụ cho chuỗi hơn 30 sự
kiện văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức xuyên suốt từ
ngày 30/4 đến ngày 1/6/2024.
Bên cạnh chương trình đêm hội “Hải Phòng
- Bừng sáng miền di sản” còn có 26 sự kiện tiêu biểu và 78 hoạt động
hưởng ứng diễn ra trên toàn địa bàn thành phố trong dịp này.
Song Hoàng
Nguồn: VnEconomy