Trong 133 di tích xếp hạng quốc gia thì khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) được coi là trung tâm văn hóa lớn, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa.
Chính nơi đây từng diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước từng sinh thành, hun đúc những bậc hiền tài, lập nên nghiệp lớn. Bởi vậy, vào mùa xuân, mùa thu hàng năm, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn.
"Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" là câu ca nhớ về lễ hội tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh. Hai vị là người cha, người mẹ thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc.
Tái hiện cảnh Trần Hưng Đạo chỉ huy trận Kiếp Bạc |
Trong quan niệm dân gian, mùa thu tượng âm, tháng Tám giữa thu là chính âm. Đức Thánh Trần Hưng Đạo là cha tượng dương, lễ hội giỗ cha vào tháng Tám là âm dương hoà hợp. Âm dương hoà hợp thì vạn vật sinh sôi, nẩy nở. Mùa màng cây cối tốt tươi, vạn sự hanh thông. Lễ hội ở thời điểm chính âm được coi là càng linh thiêng hơn, mọi sự kêu cầu đức Thánh ở lễ hội tháng Tám sẽ được linh ứng. Cho nên trong 3 tháng mùa thu (tập trung vào tháng Tám) nhân dân cả nước lần lượt về đền Kiếp Bạc làm lễ rất đông. Lễ hội tháng Tám vì thế cũng được gọi là lễ hội mùa thu đền Kiếp Bạc.
Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn chừng 5 cây số. Kiếp Bạc có thế "rồng vươn, hổ phục", có "tứ đức, tứ linh". Thế sông núi hiểm mà hài hoà, hùng vĩ khoáng đạt mà trang nhã. Tại đây, hội nước 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm một tên Hán tự có chữ "đức" đứng sau: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu tức sông Như Nguyệt (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), Sông Lục Nam (Nhật Đức); dòng chính về xuôi thì có tên là sông Thái Bình. Vì người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ, mang thái bình tức là mang yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân. Kiếp Bạc có đường thuỷ, đường bộ rất thuận tiện. Từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm" mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh.
Vào thời nhà Trần ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, vị tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông đã chọn Vạn Kiếp để đặt đại bản doanh, xây dựng phủ đệ. Với tài thao lược của Quốc Công Tiết Chế, Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang đã phát huy sức mạnh tổng lực của thế trận chiến tranh nhân dân. Dưới sự chỉ huy của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương, quân và dân Đại Việt đã "trên dưới một lòng, cả nước giúp sức" lập nên những chiến công vang dội: Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp và cuối cùng là trận Bạch Đằng lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, để non song toàn vẹn, dân tộc khải hoàn ca khúc thái bình. Từ sau cuộc đại thắng giặc Nguyên lần thứ ba, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, trước nguy cơ quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, Đại Vương đã viết "Binh gia diệu lý yếu lược" để dạy tướng sỹ, và viết "Hịch tướng sỹ" để xác định trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực học tập binh thư, luyện tập võ nghệ, sẵn sàng diệt giặc cho họ; sau khi về nghỉ, Ngài lại viết "Vạn Kiếp tông bí truyền thư", đúc kết những kinh nghiệm, những bí quyết đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế. Trước khi mất, được vua Trần Anh Tông về thăm bệnh và hỏi kế sách giữ nước, Đại Vương đã căn dặn: "Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước".
Bởi Đại Vương là danh tướng bậc nhất "tài mưu lược, anh hùng, một lòng giữ gìn trung nghĩa … lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên"*7 . Ngài đã được triều đình nhà Trần cho lập đền thờ ngay khi còn sống, gọi là Sinh Từ. Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300), Đại Vương mất tại Kiếp Bạc. Thượng hoàng Trần Thánh Tông tự soạn văn bia ngợi ca công đức Đại Vương, ví ông với Thượng Phụ (tức Lã Vọng ngày xưa được Chu Vũ Vương tôn làm thầy); nhân dân Đại Việt tôn là Đức Thánh Trần, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông, đất nước. Ngày giỗ Đại Vương hàng năm trở thành ngày chính hội Đền Kiếp Bạc. Hội Đền kéo dài hàng tuần, thu hút hàng chục vạn con dân Đại Việt từ khắp mọi miền đất nước về kính bái, nguyện cầu. Đó là một trong số lễ hội lớn nhất của cả nước được gìn giữ hơn 7 thế kỷ nay, trở thành mỹ tục truyền thống, thể hiện sâu sắc đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Năm 2006, 2007 thực hiện đề án nâng cấp lễ hội truyền thống Côn Sơn- Kiếp Bạc giai đoạn 2006- 2010, nhiều nghi lễ, diễn xướng, trò chơi dân gian được phục dựng thành công với nội dung phong phú, chuẩn mực, giàu chất dân gian, thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia như: ngư dân vùng sông nước Trà cổ (Quảng Ninh), Cát bà, Đồ sơn (Hải Phòng), Kênh Giang, Kinh Môn (Hải Dương), Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.... tham gia lễ rước thuỷ, hội quân hoành tráng trên sông Lục Đầu, nhân dân hai làng Dược Sơn, Vạn Yên tổ chức làm bánh đặc sản xu xê, trầng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật, bánh gio, bánh giò tiến Thánh; các cơ cánh đồng cả nước hân hoan về tham dự diễn xướng hầu Thánh; nhân dân và phật tử thập phương đồng lòng hướng về lễ ban ấn, lễ cầu an, lễ Mông Sơn thí thực uy nghi, lộng lẫy. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian đặc sắc, thể hiện tinh thần phật pháp và khí phách thượng võ nhà Thánh, biểu dương tài năng, sức mạnh của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, khoe tài đọ sức trước cửa Phật, Thánh cầu bình an, khỏe mạnh, cầu nhân khang, vật thịnh, phong đăng hòa cốc như đua thuyền, đấu vật, bắt vịt dưới nước, đập niêu, đu tiên v.v.
Tái hiện lại cảnh Trần Hưng Đạo duyệt quân tháng 6/1285 |
Ngoài các giá trị to lớn về lịch sử - văn hoá, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là miền đất có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hấp dẫn làm say đắm lòng người. Kiếp Bạc có dãy núi Trán Rồng hùng vĩ bao quát cả một miền sông nước Lục Đầu giang, trên bến có làng xóm trù phú, dưới sông thuyền bè tấp nập ngược xuôi, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Côn Sơn có núi Kỳ Lân thơ mộng, trên núi thông reo, chim hót, hoa lá tốt tươi; dưới núi có suối Côn Sơn nước chảy rì rầm; mai, trúc mọc xanh biếc. Trong mầu xanh đại ngàn thấp thoáng dáng vóc những công trình kiến trúc cổ kính, trầm tư. Tất cả như hoà quyện vẽ nên phong cảnh lung linh huyền diệu. Vì thế, trẩy hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là một dịp đi du lịch tham quan danh lam thắng cảnh bổ ích và lý thú.
Lễ hội mùa thu Kiếp bạc – Côn Sơn 2011
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ 14 đến 18/8 âm lịch (tức từ ngày 12 đến 15/9). Trọng tâm của lễ hội là tưởng niệm 711 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, 569 năm ngày mất của Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Cờ hoa rực rỡ khắp khuôn viên khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc |
Bên cạnh đó, chủ đề của lễ hội năm nay còn hướng về biển, đảo, tái hiện lại những chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII với ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, quật cường của dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Kịch bản lễ hội được chia làm 3 chủ đề, tái hiện toàn bộ cuộc kháng chiến oai hùng chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII của quân dân nhà Trần. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu mô tả cảnh Trần Hưng Đạo duyệt quân năm 1285. Tham gia hội quân có 24 thuyền của ngư dân Kiến Thụy (Hải Phòng) và Kênh Giang (Chí Linh) với 240 ngư dân đóng vai quân sĩ nhà Trần.
Tăng thêm sự hoành tráng cho lễ hội là màn biểu diễn võ thuật của 200 võ sinh Nhất Nam, màn biểu diễn đánh thó của 120 tay gậy của huyện Gia Lộc và màn biểu diễn của 12 đầu rồng, đầu lân cùng đội cờ, trống 350 người.
Trong phần hội, ngoài các trò chơi dân gian truyền thống như đua thuyền, biểu diễn múa rối, năm nay sẽ tổ chức thi bắt vịt, nấu cơm. Đây là hoạt động nhằm tái hiện lại cuộc sống lao động, chiến đấu của quân dân nhà Trần cách đây 7 thế kỷ. Đặc biệt, năm nay, lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức trang trọng vào đúng ngày mất của ông (20/8 âm lịch) tại nội tự đền Kiếp Bạc và núi mâm xôi với sự tham gia của nhân dân ba làng: Vạn Yên, Bắc Đẩu, Dược Sơn.
Lễ cầu an, hội hoa đăng trên sông Lục Đầu để siêu độ cho các chiến sĩ đã hi sinh tại đây trong các cuộc chiến tranh khiến cho lễ hội thêm phần trang trọng, linh thiêng. Ngoài ra, có nhiều hoạt động được tổ chức như lễ dâng hương, lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán; lễ dâng hương chùa Côn Sơn; các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật và lễ giỗ Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi. Chuỗi sự kiện này khiến du khách thập phương hành hương về Vạn Kiếp thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc là nét văn hoá đặc sắc của nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và nhân dân khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, để tôn vinh công đức to lớn của các anh hùng dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc đã và đang trở thành những kỳ lễ hội lớn của dân tộc, có sức thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và khách quốc tế.
Nguồn : QH