Lễ
hội ôn lại những truyền thuyết từ ngàn xưa về Đức Thánh Huyền Thiên
Trấn Vũ - vị thần tiêu trừ yêu ma, bảo vệ dân lành, giữ sự bình yên cho
muôn dân, vạn vật, cũng là vị thần trị thủy, chống lũ lụt trong quan
niệm tâm linh của người dân phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội).
Chính
hội diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch - Ngày đản sinh của Đức Thánh, nhưng
lễ hội thường được tổ chức trong suốt 4 ngày: từ ngày mùng 1 đến mùng 4
tháng ba Âm lịch hằng năm.
Trong ngày 22/4 (tức ngày mùng 3/3 năm
Quý Mão), tại lễ hội Đền Trấn Vũ diễn ra nhiều hoạt động độc đáo. Sau
màn dâng hương của đội dâng hương đình Cự Đồng hành lễ, là nghi lễ kéo
co ngồi.
Năm nay, có 3 đội tham gia. Đó là 3 mạn: Mạn Đường, mạn Chợ và mạn Đìa.
Trước
khi lễ trình diễn kéo co diễn ra, các mạn chuẩn bị lễ vật gồm mâm xôi,
thủ lợn phủ mỡ chài rắc hoa hồng được tập trung trước sân đền để làm lễ.
Mỗi mạn năm nay gồm có 19 người, 1 tổng cờ và 3 ông tổ trưởng,
phó điều khiển chốt nêm và rút nêm, hiệu lệnh trọng tài (bằng còi, trống
khẩu và loa). Nam kéo co mỗi đội cởi trần, mặc quần cộc màu đỏ, chít
khăn đỏ (có in chữ cho từng mạn).
Theo
các cụ cao niên, kéo co ngồi là trò diễn hầu Đức Thánh Linh Lang - vị
thành hoàng của làng. Ngày nay, kéo co ngồi là một nghi thức đặc biệt
trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3/3 âm lịch gắn với ngày sinh của
Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.
Theo đó, các đội chơi ngồi trên
đất kéo co bằng dây song luồn qua lỗ một cây cột gỗ được chôn chặt xuống
đất. Điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa của nghi thức kéo co ngồi mang
tính tâm linh, thể hiện mong muốn của cộng đồng là mang lại điều may mắn
cho làng xóm.
Nghi thức kéo co ngồi đền Trấn Vũ được Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia vào ngày 19/12/2014.
Nét đặc sắc của nghi lễ kéo co ngồi là
mỗi người đều dùng tay để ghì chặt cây song, chân đạp thành hố sâu dưới
đất để tạo lực. Người tham gia từ độ tuổi 18 đến 35, khỏe mạnh, bản thân
và gia đình được người dân chung quanh đánh giá tốt. Mong muốn của cả
cộng đồng là dù đội nào thắng cũng đều đem lại may mắn cho xóm làng.
Lễ hội đền Trấn Vũ còn có các hoạt động như giao lưu bóng chuyền nam-nữ, nghi lễ rước kiệu từ đền về Nghè Đằng Đông…