Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Tày, Nùng, Thái… ở nhiều xã của tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang... lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng Tồng (tiếng Tày nghĩa là xuống đồng).
Từ tờ mờ đất bà con người Tày của xã Đồng Yên (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đã gồng gồng gánh gánh đồ cúng lễ ra cánh đồng bằng phẳng và lớn nhất xã trên những chiếc sọt tre to.
Lễ hội không chỉ là hoạt động văn hóa thu hút bà con dân bản mà còn hấp dẫn rất đông du khách tìm đến cùng tham gia.
Xuống đồng cầu mùa
Ông Cam Thanh Nghiêm, một già làng ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang kể: “Trước những năm 60 của thế kỷ XX, người Tày chỉ cày cấy một vụ mùa, khoảng tháng Mười sau khi gặt hái xong, trâu, bò được thả vào rừng, dân bản nghỉ ngơi, giúp nhau sửa sang nhà cửa, cưới hỏi, làm ma khô, đi thăm bạn bè, đi chơi, chuẩn bị Tết Nguyên đán…
Ra Giêng, sau những ngày vui Xuân, dân bản chọn một ngày tốt làm lễ xuống đồng (Lồng Tồng), cũng là lúc người dân đi tìm trâu, bò thả rông về chăn dắt, bắt đầu đi vào sản xuất, vào mùa vụ mới.”
Vì là Lễ hội khởi đầu cho vụ mới cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên lễ vật cúng tế cũng ăm ắp. Tất cả những đầu lợn, cá nướng, gà, xôi ngũ sắc, thịt, bánh gù (là bánh chưng Tày), bánh dày, bánh gio, bánh bỏng, rượu, chè, đèn, cành đào có hoa được đặt trên mâm gỗ hoặc trải lá trên thửa ruộng lớn nhất. Đặc biệt, không thể thiếu những quả khâu bằng vải mầu, trong đựng thóc, ngô, đỗ giống, ngoài đính tua rua cắt dán cầu kỳ bằng giấy mầu.
Lễ hội Lồng Tồng theo truyền thống gồm có phần lễ cúng cầu may, cày ruộng, gieo vãi hạt giống và phần hội là lúc bà con tung còn, chơi các trò chơi dân gian.
Mâm cỗ của thôn bản to nhất đặt giữa, hai bên xếp các mâm nhỏ hơn của các hộ dân. Mâm cỗ chính đặt dưới chân cây nêu (làm bằng cây mai hoặc tre) đã dựng trước cao khoảng 15-20 mét, ngọn buộc vòng nguyệt to bằng cái sàng, dán các vòng giấy đỏ, tím; riêng vòng trong cùng được dán bằng giấy trắng, khoảng 10cm, quanh vòng dán các tua giấy, tượng trưng linh vật nữ trinh.
Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang Nguyễn Hữu Ninh, một người đã có hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất ấy cho biết: “Quả còn tượng trưng linh vật thanh niên nam khỏe mạnh, phải làm đúng quy cách nên khi tung phải chuẩn hướng, không làm đau tay người bắt.”
Lễ cúng bắt đầu từ 8- 9 giờ sáng, khi bà con đến đông đủ, thầy cúng (hay còn gọi là “pú tao”, “pú thầy”, “pú mo” – tiếng Tày) mặc sắc phục đứng quay mặt về hướng Đông, chỗ đặt mâm lễ và cột còn rồi gõ chiêng khấn vái bốn phương: Cảm ơn trời đất và các thần linh năm qua đã cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi; gia súc, gia cầm phát triển đầy đàn; con người khoẻ mạnh ấm no hạnh phúc; cầu mong năm mới lại được sự phù hộ nhiều hơn. Rồi thầy cúng lấy gậy chọc xuống ruộng mấy lỗ, vãi hạt giống và vẩy ít nước lên.
Kết thúc phần lễ, thầy mang những quả còn đến chân cột cúng tiếp và tung thử sau đó mới tới lượt các cụ ông cụ bà, hai bên thanh niên nam-nữ.
Lồng Tồng biến tướng...
Ông Nghiêm còn kể rằng: “Theo những người già kể lại, Lễ hội Lồng Tồng đã có từ rất lâu đời, từ khi đồng bào quần cư, biết lập ấp, lập bản, biết trồng lúa nước. Người Tày có một phong tục đặc biệt là ăn Tết rằm tháng giêng và rằm tháng bảy rất to, nhiều nơi ăn to hơn cả Tết Nguyên đán của người Kinh.
Trong hai ngày Tết này, nhà nhà, người người đều vui mừng, náo nức chào đón. Nhiều nơi mổ trâu, bò, lợn, gà, nấu xôi ngũ sắc và làm nhiều loại bánh. Những người già thì chuẩn bị đồ cúng lễ, thanh niên diện quần áo đẹp và sặc sỡ nhất đi chơi, hò hẹn còn trẻ con tha hồ nô giỡn.
Đến sau Cách mạng tháng Tám, người dân đã lồng ghép hai lễ: Lễ hội Rằm tháng Giêng và lễ hội Lồng Tồng làm một và tổ chức rất linh đình. Tuy nhiên, một khoảng thời gian khá dài trong kháng chiến chống Mỹ, không khí lễ hội ở một số nơi phải tạm thời lắng. Người dân không còn tổ chức phần hội mà chỉ làm lễ xuống đồng, đơn giản và gọn nhẹ hơn, với mục đích chính là cầu cho mưa thuận gió hòa, bão lũ không xảy ra, lúa ngô khoai sắn được mùa tươi tốt.”
Và những năm gần đây, khi đời sống của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn dần khởi sắc, nhiều lễ hội trong đó có lễ hội Lồng Tồng được khôi phục. Nhưng ở một số địa phương việc tổ chức lễ hội đã không còn giữ được màu sắc cổ truyền. Nhiều nơi tổ chức linh đình, lãng phí, trống giong cờ mở, thậm chí lai căng phong tục của người Kinh miền xuôi, làm mai một dần bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
Tìm về Lễ hội Lồng Tồng bây giờ, nhiều nghi lễ của người Tày đã bị biến tướng như: bắt chước người Kinh đội mâm lễ lên đầu, cúng bái cả buổi với nhiều trò mang nặng tính mê tín dị đoan của thầy mo, thầy cúng.
Và nét đặc trưng nhất là quần áo dân tộc thì mỏi mắt mới thấy một vài cụ già mặc trang phục truyền thống, còn hầu hết thanh niên nam nữ đi hội cũng quần bò áo phao, tóc nhuộm mầu xanh đỏ. Họ vô tư nói tục, chửi bậy, thậm chí mượn rượu để cãi vã, đánh lộn nhau. Rồi nạn cờ bạc, sóc đĩa cũng đã xâm nhập làng bản khiến cho nhiều gia đình rơi vào tình trạng nợ nần, điêu đứng sau dịp lễ hội.
Với người dân miền núi việc có một lễ hội thực sự vui, bổ ích và mang đậm bản sắc như lễ hội Lồng Tồng rất hiếm hoi. Việc gìn giữ, bảo tồn không gian văn hóa của lễ hội Lồng Tồng không chỉ là nguyện vọng của người dân mà cũng là mong muốn của những người làm công tác dân tộc và cả của du khách xa gần./.
Nguồn : Vietnam+