Các điểm du lịch tại TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre... mở cửa trở lại, chuẩn bị nhiều hoạt động đón Tết Nguyên đán.
Sau thời gian dài ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19, hiện nhiều tỉnh thành Tây Nam Bộ đã kiểm soát được dịch, khởi động các điểm tham quan, làm mới sản phẩm du lịch.
Tại Đồng Tháp, nhiều nơi trong làng hoa Sa Đéc đã mở lại từ cuối tháng 12/2021. Dịp Tết Dương lịch 2022, toàn tỉnh đón gần 27.000 lượt khách tham quan. Nhiều vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung đang vào vụ, các nhà vườn tại ba xã Long Hậu, Tân Thành và Hòa Thành đã đón khách với giá vé 50.000 đồng/người lớn và 30.000 đồng/trẻ em.
Dự kiến ngày 17/1, UBND TP Sa Đéc sẽ tổ chức lễ hội Hoa Xuân năm 2022 với hàng loạt hoạt động đặc sắc tại Công viên Sa Đéc, kéo dài đến ngày 23/1. Du khách có thể xem hội thi và trưng bày sinh vật cảnh, lễ tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ...
Vườn cúc mâm xôi tại Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: Huỳnh Phương
Tại An Giang, khu du lịch quốc gia Núi Sam ở TP Châu Đốc mở cửa từ ngày 1/1. Du khách hiện có thể tham quan các di tích, thắng cảnh như: Miếu Bà Chúa xứ, Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang... Khu du lịch là điểm đến tâm linh hấp dẫn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Trước dịch, nơi đây đón hơn 4 triệu lượt khách mỗi năm.
Tới TP Cần Thơ, du khách có thể ghé Làng Du lịch sinh thái Ông Đề, Làng Du lịch Mỹ Khánh, du lịch cộng đồng Cồn Sơn, điểm tham quan căn nhà màu tím, Tam giác mạch Farm... để tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian đậm chất miền sông nước. Một số điểm du lịch đã bố trí tiểu cảnh đón Tết xưa thể hiện văn hóa cổ truyền.
Trong dịp Tết Âm lịch 2022, TP Cần Thơ sẽ không xây dựng đường hoa nghệ thuật như mọi năm, mà trang trí "Vườn hoa xuân Nhâm Dần - Cần Thơ 2022" với quy mô vừa phải ở Công viên sông Hậu, quận Ninh Kiều, từ ngày 29/1 đến 6/2.
Không gian Tết xưa ở điểm tham quan Căn nhà màu tím. Ảnh: Facebook Căn nhà màu tím
Nếu chơi Tết tại Cà Mau, du khách có thể tham quan khu du lịch quốc gia Đất Mũi, khu du lịch Hoa Rừng U Minh, khu du lịch Hương Tràm... Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các đơn vị địa phương chỉnh trang, xây dựng mô hình trưng bày Tết tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đặc biệt, các di tích lớn của tỉnh như Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước, Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá Nhà Thể... vừa được tôn tạo, bổ sung hiện vật, tư liệu trưng bày, cảnh quan và cơ sở vật chất.
Bến Tre và Long An là hai tỉnh mở cửa du lịch nội địa sớm nhất miền Tây, từ giữa tháng 11/2021 và đang đón khách với đầy đủ dịch vụ. Điểm đến thu hút du khách nhất ở Long An hiện là khu du lịch Cánh đồng bất tận với rừng tràm gió nguyên sinh, khu trồng dược liệu, cho du khách trải nghiệm liệu pháp "tắm rừng"...
Trong năm 2022, dự kiến một loạt lễ hội sẽ được tổ chức ở Đồng bằng Sông Cửu Long tại cụm liên kết du lịch phía Tây gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Du khách có thể tham gia trải nghiệm lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, lễ hội Ðờn ca tài tử Quốc gia năm 2022, lễ khánh thành Ðền Hùng, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Cần Thơ, lễ hội Oóc Om Bok - Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ 5 khu vực Ðồng bằng Sông Cửu Long...
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp