Theo nhiều chuyên gia du lịch, với lợi thế thiên nhiên ưu đãi về biển, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa..., dải đất khu vực miền Trung hoàn toàn có thể xây dựng thành công điểm đến quốc tế ngang tầm với Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)...
Nhằm góp thêm giải pháp cho mục tiêu trên, ngày 19-8 UBND tỉnh Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty cổ phần Phong Phú tổ chức hội thảo “Miền Trung - xây dựng điểm đến quốc tế” tại Palm Garden (Quảng Nam).
Kỳ 1: Thiên đường nghỉ dưỡng
Bãi biển khu vực miền Trung từ Đà Nẵng trở vào được xem là một trong những nơi đẹp nhất trong khu vực. Tại đây, hàng loạt khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã mọc lên nhanh chóng.
Chỉ một đoạn đường vài kilômet từ khu nghỉ mát Life Resort, Furama (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đến địa phận giáp ranh tỉnh Quảng Nam, hai năm qua các khu resort, biệt thự ven biển, khách sạn... đã nhanh chóng mọc lên che kín bãi đất trống sát biển ngày nào.
|
Một góc khu nghỉ dưỡng cao cấp The Nam Hải (Quảng Nam) |
Hàng tỉ USD đổ vào du lịch
Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), những năm gần đây khu vực du lịch miền Trung có tốc độ phát triển các cơ sở du lịch nhanh nhất nước. Xét theo các tiêu chí, các địa phương từ Huế đến Quảng Nam đều có ưu thế du lịch xếp hạng A - ưu thế vượt trội. Nhiều du khách gọi dải bờ biển từ Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đến Non Nước (Đà Nẵng) vào Hội An (Quảng Nam) là thiên đường nghỉ dưỡng. Tại khu vực này hiện có hơn 20 khu du lịch nghỉ dưỡng với vốn đầu tư hàng chục tỉ USD.
Từ Lăng Cô, các khu nghỉ dưỡng, sân golf Chân Mây của Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Lăng Cô Hotel Resort, Lăng Cô Beach Resort, Thanh Tâm Seaside Resort ôm trọn bãi biển Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân xinh đẹp.
Giá bình dân hơn
Ông Cao Trí Dũng, giám đốc Công ty Du lịch VN (Vitours), cho rằng các điểm đến miền Trung có giá tour rẻ. Cụ thể, ở Hà Nội, TP.HCM, giá khách sạn 4 sao từ 70-100 USD/ngày đêm thì ở đây giá chỉ 35-45 USD/ngày đêm. Hay ăn uống, mỗi ngày ở khu vực này bình quân 5 USD thì ở Hà Nội, TP.HCM là 7 USD, dịch vụ vận chuyển trong bốn ngày ba đêm ở khu vực này trung bình 3,5 triệu đồng/xe 45 chỗ ngồi thì ở Hà Nội, TP.HCM ít nhất là 5 triệu đồng mới có xe. |
Đặc biệt, trong số 35 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, có đến 21 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 1,33 tỉ USD. Dọc bãi biển Đà Nẵng, hàng chục khu nghỉ dưỡng đã hình thành như: khu nghỉ dưỡng và spa Sơn Trà, khu du lịch Biển Đông, Savico, Mặt Trời Mọc, Life Resort, Furama, Olalani, Silver Shores Hoàng Đạt, Vinpearl Đà Nẵng...
Với lợi thế có bờ biển dài hơn 10km, làn nước biển trong xanh, vịnh Lăng Cô hiện đang được xem là một trong những bãi biển có phong cảnh đẹp nhất VN.
Tại đây, hàng loạt dự án xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn, resort, sân golf đã được đăng ký đầu tư và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, trong đó có những dự án quy mô lớn như: dự án resort và sân golf của Công ty cổ phần đầu tư Phong Phú Lăng Cô, vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD; dự án xây dựng ba khu liên hợp nghỉ dưỡng với 2.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao của một tập đoàn Singapore có vốn đầu tư lên tới 875 triệu USD...
Đi dọc vịnh Lăng Cô - điểm du lịch mới của Thừa Thiên - Huế, dù bãi biển còn hoang sơ nhưng dọc bờ biển, các resort, khách sạn đã mọc lên và đang xây dựng rải khắp. Tuy vậy, khi có mặt tại một số điểm như khu nghỉ mát khách sạn Lăng Cô, Lăng Cô Beach Resort, Thanh Tâm Seaside Resort... khách du lịch muốn có phòng phải đặt trước. Tại một số resort ở khu Lăng Cô, bộ phận đặt phòng còn cho biết phòng đã kín chỗ đến cả hai tuần sau đó. Tình trạng này diễn ra tương tự tại thành phố Hội An (Quảng Nam).
Một số du khách người Pháp cho biết đã biết về Hội An từ khá lâu, nhưng để đến được Hội An vào đầu tháng 8 vừa qua, họ đã phải qua công ty lữ hành đặt phòng khách sạn tới ba lần mới được ưng ý. “Nơi còn phòng thì tiêu chuẩn chưa đạt. Các khách sạn 4 sao trở lên thì luôn chật kín. Từ khi lên kế hoạch đi du lịch đến khi chính thức đến được Hội An, thời gian mất gần cả tháng” - anh Nguyễn Thế Thành, người dẫn đường cho nhóm du khách này, nói.
Nhu cầu tăng nhanh
Để tăng thêm giá trị của các điểm đến ở miền Trung, tổng giám đốc khu nghỉ mát 5 sao The Nam Hải Herbert Laubichler Picher cho rằng vẫn cần phải có thêm vài resort có tiêu chuẩn quốc tế. Ở Bali (Indonesia) có các thương hiệu Bulgari, Four Seasons, The Ritz. Ở Phuket có Banyan Tree, Mandarin... Các resort và khách sạn hiện có ở Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng... vẫn chưa đạt được yêu cầu của các du khách quốc tế cao cấp.
Ông Phan Thế Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết hiện ở Huế có khoảng 200 khách sạn, đáp ứng 15.000 chỗ nghỉ và có khoảng 5.000 chỗ lưu trú trong dân. Khách sạn (đa số ở mức bình dân) tại TP Huế có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, khách sạn từ 3 sao trở lên mới chỉ dừng lại 23 khách sạn.
Lý giải vì sao lại đầu tư tới 300 triệu USD vào Lăng Cô, ông Nguyễn Trọng Thể, giám đốc dự án resort & golf Lăng Cô - Huế (292ha, sân golf 27 lỗ, 300 phòng khách sạn, hội nghị tiêu chuẩn 4 sao, 100 phòng resort ven biển, 200 phòng khách sạn ven biển tiêu chuẩn 3 sao và khoảng 500 căn biệt thự vườn, ven hồ, triền núi...), dự báo trong vòng mười năm tới Lăng Cô sẽ là điểm đến sôi động của du lịch miền Trung. Khi đó, nhu cầu về phòng ốc, khách sạn và các dịch vụ vui chơi giải trí sẽ tăng mạnh gấp nhiều lần hiện nay.
Dự án này chỉ cách Đà Nẵng 25km, cách TP Huế 60km. Với lợi thế gần điểm nối cuối cùng ra biển trong hành lang kinh tế Đông - Tây qua các nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, khả năng thu hút khách quốc tế về khu nghỉ dưỡng nói riêng và khu vực Lăng Cô nói chung là rất lớn.
Khách không có chỗ tiêu tiền
Ông Picher kể nhiều du khách cho biết những điểm du lịch khác họ từng đến luôn tạo cảm giác không đủ thời gian để thưởng thức hết các dịch vụ và họ muốn phải quay lại, trong khi miền Trung thiếu các nhà hàng cao cấp nằm ngoài các khu resort, khách sạn. Không có câu lạc bộ giải trí, thưởng thức cho những cặp tình nhân, không có chỗ cho giới trẻ hoạt động, thưởng thức và tiêu tiền.
Theo ông Picher, ở đây có thể thiết kế những dịch vụ như câu cá, trò chơi dưới nước, lặn biển, bắn súng đạn sơn, đua xe, leo núi, vách đá...
Ông Nguyễn Hàng Quý, giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Hương Giang, cho biết Huế và Hội An là hai điểm đến mà hầu như du khách nào cũng chọn ngủ lại. Tuy nhiên, các dịch vụ để du khách tiêu tiền tại hai nơi này lại chưa phát triển.
“Nhiều du khách, bạn bè của tôi sang đây du lịch đều trong tình trạng không biết tiêu tiền vào đâu, mang tiền vô rồi lại mang ra. Một vài điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, áo quần như chợ Đông Ba, phố cổ Hội An, tiểu thương lại nổi tiếng nói thách giá khiến nhiều du khách ngại ngần” - ông Quý cho hay.
Trên thực tế, du khách đến Huế gần như chỉ đi ngắm các di sản và thưởng thức ẩm thực của người Huế. Còn khách đến Hội An cũng chỉ có thể tiêu tiền bằng mua vài chiếc đèn lồng và vải vóc, áo quần. Tại những nơi này, hoàn toàn chưa có những trung tâm mua sắm đủ sức hút khiến du khách không thể không tới. Ngoài ra, hoạt động giải trí về đêm cũng gần như không có.
Thiết kế tour sáng tạo kéo khách
Theo JICA, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch nhưng lượng du khách đến Quảng Nam vẫn không sụt giảm (trên 2,3 triệu lượt khách trong năm 2009). Đây là kết quả từ những sáng tạo trong thiết kế tour, tạo thêm lựa chọn cho du khách của các đơn vị lữ hành. Hàng loạt tour du lịch đang hấp dẫn du khách như: tham quan làng nghề, tour đạp xe đạp, đi xe máy, đi thuyền...
Nhờ những sáng kiến này, một số làng nghề được bảo tồn, tạo việc làm cho người dân địa phương. |
Nguồn : Tuổi Trẻ