Tọa lạc tại thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, Miếu Ngư Ông là một ngôi miếu đặc biệt, thờ phụng Cá voi mà người dân tôn kính gọi là Cá Ông, Cá Bà, liền kề là nghĩa trang cá voi với hơn 200 ngôi mộ được chôn cất và thờ tự thành kính.
Miếu thờ Ngư Ông được dựng cách đây khoảng hơn 600 năm, thời
gian hình thành làng Nhượng Bạn trước đây. Ngư dân làng chài Nhượng Bạn, nay là
xã Cẩm Nhượng từ bao đời nay coi cá voi là sự linh thiêng, may mắn. Ngư dân tôn
kính gọi cá voi là Đức Ngư Ông, Đức Ngư Bà, Đức Cậu hay Đức Cô.
Nghĩa trang liền kề Miếu thờ Đức Ngư Ông là nơi là nơi yên
nghỉ của gần 200 cá Ông, cá Bà, cá Cậu, cá Cô, được người dân thờ cúng như người
thân trong gia đình.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời vua Lê Thánh Tông, khi
thuyền rồng của ngài đi qua vùng biển này thì gặp phải một trận bão lớn. Giữa
tình thế nguy cấp, một cá Ông khổng lồ đã xuất hiện và ghé mạn đẩy thuyền vào bờ
an toàn.
Vua Lê Thánh Tông sau tai kiếp đã sắc phong cá Ông là Nam Hải
Nhân Ngư Tôn Thần, xuống chỉ cho dân địa phương lập đền tại nơi cá Ông đưa thuyền
vào bờ để tôn vinh công đức.
Miếu Ngư Ông, đã trải qua nhiều lần trùng tu và được xây dựng
lại sau chiến tranh. Ngôi miếu hiện tại được xây dựng trên nền đất cũ, bao gồm
nghi môn, bái đường, hậu cung, có kết cấu đơn giản và uy linh, thể hiện tình cảm
sâu sắc của người dân Cẩm Nhượng với biển trời và cá voi.
Nghĩa trang cá voi rộng khoảng 300 m2 mới được trùng tu, tấm
bia cũ được thay bằng tấm bia lớn màu
xanh với phù điêu cá voi màu xám. Trong nghía trang có hơn 200 mộ cá.
Khi có cá voi chết, ban lễ nghi sẽ làm lễ xin thổ địa cho cá
được an táng tại khu vực miếu. Người dân dùng nước sạch rửa cá, phun nước thơm,
tưới rượu lên thân và khâm liệm. Nếu đầu cá có chữ thập, nghĩa là cá voi già,
được đặt tên là Đức Cá Ông hoặc Đức Cá Bà. Những con không có chữ thập trên đầu
thì phải tung đồng chinh đoán. Nếu ba lần hai đồng tiền đều là dương thì đặt
lên là Đức Cậu. Nếu hai mặt đồng tiền đều lật mặt âm thì tên Đức Cô.
Cá voi mới chết sẽ chôn ngoài nghĩa trang, làm lễ cúng tế
như người thường. Sau hai năm, khi "đoạn tang" ngư dân và ban quản lý
miếu làm lễ bốc mộ cá, cải táng đưa xương vào chôn cất trong nghĩa trang. Mộ
xây bằng xi măng như người, đặt bia khắc Đức Cá Ông, cá Bà hoặc Đức Cá Cậu, cá
Cô cùng ngày mất và lư hương.
Một ngôi mộ Cá Voi mới chưa cải táng
Hàng năm, miếu Ngư Ông có nhưng ngày lễ lớn như Lễ Cầu Ngư
ngày mồng 7 và mồng 8 tháng 4 Âm lịch, Lễ giỗ Đức Bà ngày 12 tháng 8 Âm lịch và
Lễ giỗ Đức Ông, ngày 25 tháng 10 Âm lịch. Lễ hội Cầu ngư được tổ chức để cầu
cho một năm đi biển mới may mắn, an toàn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nghi lễ bao gồm có lễ Nghinh rước Nam Hải Đại Thần từ biển
vào miếu trong tiếng trống và tiếng nhạc bát âm long trọng. Lễ hội chèo cạn và
rước ngài trên đất liền, tôn vinh công đức Nam Hải Đại Thần, kết thúc là lễ rước
linh vị Thần và Thả thuyền về biển, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh và
biển cả.
Lễ hội Cầu Ngư không chỉ là sự kiện tâm linh mà còn là dịp để
người dân xã Cẩm Nhượng thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với với thần linh, cầu
mong an toàn, may mắn đồng thời lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tâm
linh, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Miếu Ngư Ông còn lưu giữ được 3 đạo sắc phòng thời Nguyễn.
Năm 2007, miếu và nghĩa trang được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh
Hà Tĩnh. Năm 2021, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguồn tư liệu: Du lịch Cẩm Xuyên