Cùng với lễ hội chính là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tại di tích Đền Hùng, các làng xã vùng phụ cận cũng còn một số lễ hội không kém phần thiêng liêng và nghi lễ tại đình đền của các làng xã.
Miền quê Hùng Lô nằm kề bên dòng sông Lô lịch sử cách Đền Hùng chưa đầy 10km về phía Tây. Nơi đây còn có đình, miếu thờ các Vua Hùng với một ngôi đình có giá trị nghệ thuật trạm khắc gỗ thế kỷ XVII còn nguyên giá trị, gắn liền với các công trình này là cả một kho tàng văn hoá phi vật thể. Đó là lễ hội rước kiệu vào dự lễ hội Đền Hùng hàng năm và hội làng với ẩm thực "cỗ gà thờ". Nghi lễ rước kiệu của Hùng Lô rất công phu từ việc bầu chọn chủ lễ tới việc chọn người khiêng kiệu cũng như những người tham gia rước kiệu. Lễ rước kiệu Hùng Lô diễn ra uy nghi trang trọng bởi lòng thành kính của nhân dân, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và tinh thần đoàn kết, giàu tình nhân ái. Nghi thức rước kiệu của làng gắn liền với các hoạt động diễn ra tại Đền Hùng, là một hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong lễ hội Đền Hùng xưa và nay.
Đến lễ hội Đền Hùng là đến với những làn điệu dân ca xoan mang đậm nét văn hoá vùng đất Tổ là Kim Đức nơi còn bảo lưu nhiều làn điệu xoan cổ. Hát xoan bắt nguồn từ các truyền thuyết liên quan tới thời đại Hùng Vương, phản ánh mối quan hệ giữa thành hoàng làng với một hình thức dân ca phong tục - lễ nghi (hát thờ), được phát triển cùng việc tế thần, cầu chúc cho cuộc sống thịnh vượng.
Kim Đức còn lưu giữ đình Hội, đình Thét, miếu Lãi Lèn, với những làn xoan cổ đó là một nét đẹp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của ông cha để lại.
Xưa kia cứ tết đến xuân về dân làng Kim Đức lại tổ chức hát xoan tại miếu Lãi Lèn và đình làng sau đó còn hát "nước nghĩa" hát kết nghĩa với các làng xoan như An Thái, Tây Cốc... và cứ vào dịp lễ hội Đền Hùng các phường xoan xã Kim Đức lại nô nức chuẩn bị trống, phách, áo the, khăn xếp cùng áo mớ ba mớ bẩy vào phục vụ đồng bào về dự lễ hội, là một hoạt động văn hoá dân gian không thể thiếu trong giỗ Tổ Hùng Vương. Để giới thiệu và tuyên truyền quảng bá về hát Xoan với bạn bè quốc tế cũng như đối với cộng đồng người Việt Nam, hiện nay UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Âm nhạc đang hoàn tất bộ hồ sơ hát Xoan trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Nằm ở phía Đông Nam Đền Hùng, làng Vân Luông thuộc phường Vân Phú là đền Vân Luông thờ Hùng Vương và Tản Viên Sơn Thánh, đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Gắn với đền Vân Luông là lễ hội "ném chài" tổ chức vào ngày mùng 3 tháng giêng hàng năm, diễn tả lại sự tích Vua Hùng cùng dân làng tiễn Tản Viên về núi Tản Viên.
Cách Đền Hùng theo đường bộ khoảng 7km về phía Tây Nam Đền Hùng là xã Thanh Đình, một địa danh mà trong cuốn "Việt sử lược" thế kỷ XIII có ghi "Đến thời Trang Vương nhà Chu (696- 682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang". Đây là vùng đất nằm trong trung tâm bộ Văn Lang xưa, cách đây không lâu nơi đây vẫn có tên gọi Gia Ninh. Thanh Đình xưa có đình Mai Đình và đình Thanh Mai nhưng theo thời gian đã bị mai một, hiện nay đã được xây dựng lại một đình gọi chung là đình Thanh Đình. Là vùng quê phát hiện được nhiều địa điểm khảo cổ học thời đại Hùng Vương có những địa điểm nổi bật như địa điểm Gò De và còn bảo lưu những tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thờ lúa, thờ phồn thực nông nghiệp và nhân thần có công với nước. Với các lễ hội như "lễ rước giải" vào ngày 3 tháng giêng, rước "ông khiu bà khiu" vào ngày 4 tháng giêng,"lễ tế thánh" tổ chức vào tối 22 tháng giêng rạng ngày 23, lễ "hú cờ" vào tối 22 tháng giêng.
Lễ hội làng He (Lễ rước chúa gái về nhà chồng) là lễ hội diễn ra tại làng Vi xưa thuộc xã Chu Hoá và làng Trẹo thuộc xã Hy Cương, nay hai làng này thuộc thị trấn Hùng Sơn huyện Lâm Thao. Theo lệ xưa cứ đến 25 tháng chạp hai làng Vi, Trẹo lại cùng nhau họp bàn làm lễ hội "rước chúa gái". Lễ hội rước chúa gái diễn ra từ 25 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng với nhiều trò diễn của hai làng và nhiều người tham gia với nhiều nghi thức đã tạo được những ngày lễ hội vào mùa xuân của các làng dưới chân núi Hùng. Lễ hội phản ánh được cuộc sống và những phong tục tín ngưỡng còn bảo lưu tại các làng cổ ở khu vực Đền Hùng.
Một lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp tại xã Hy Cương đó là lễ Hạ Điền. Được tổ chức vào ngày 25 tháng 5 âm lịch hàng năm. Tục lệ của làng vào ngày này, trai làng từ 12 tuổi trở lên đến 49 tuổi đều phải làm cỗ (mặn hoặc ngọt) để dâng cúng Thành Hoàng Làng và vua tổ Thần Nông. Riêng trai làng vừa đủ 12 tuổi phải làm cả lễ mặn và ngọt để trình làng. Đây là một lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp đồng thời là lễ hội phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp cầu cho mùa màng tốt tươi và con người no đủ là ước mơ ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Nguồn : báo Phú Thọ