Thảm hoa vàng trên miệng núi Chư Đăng Ya khiến cho nhiều du khách choáng ngợp.
Ngọn núi mang tên Chư Đăng Ya, theo tiếng của người Gia Rai có nghĩa là "củ gừng dại", thuộc huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Ngày nay, nơi đây vẫn còn mang dấu tích của núi lửa từng hoạt động hàng triệu năm trước với miệng núi hình phễu, những viên đá nham thạch lẫn trong đất đỏ bazan màu mỡ. Đến đây vào khoảng tháng 11, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh đẹp mắt khi hoa dã quỳ nở rộ ở khắp các con đường đất đỏ.
Trên đường đến núi lửa, bạn di chuyển qua nơi sinh sống của người dân tộc Gia Rai. Đến gần Chư Đăng Ya, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà bằng gỗ của họ. Xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến từ TP Pleiku đến núi lửa. Bạn sẽ vượt qua quãng đường dài khoảng 20 km để đến được chân núi.
Để lên đỉnh núi, bạn mất khoảng 10 phút đi bộ từ chân núi. Tuy nhiên, chặng đường này là thử thách đối với du khách bởi sườn dốc 45 độ, nếu sức không bền, bạn sẽ phải nghỉ rất nhiều chặng. Du khách nên mang theo nước để uống.
Trên núi, ngoài dã quỳ còn có nhiều loài cây khác như dong riềng, lan rừng, ngô, khoai... Nếu ghé đây vào mùa mưa, đặc biệt vào khoảng tháng 7 đến tháng 10, bạn sẽ có dịp khám phá hoa dong riềng bung nở.
Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ xa như một chiếc bát úp. Nhưng khi đặt chân lên đỉnh bạn sẽ thấy miệng núi như một lòng chảo rộng thoáng. Trên đó là những luống ruộng ngô, khoai, bí đỏ... trồng đều tăm tắp.
Du khách có dịp tận hưởng thiên nhiên xanh mát cùng bầu không khí mát mẻ. Chụp ảnh lưu niệm và tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa cũng là những điều thú vị không nên bỏ qua.
Hoa dã quỳ mọc thành khóm trải dài liên tiếp nhau. So với Đà Lạt, hoa ở Gia Lai mọc mật độ dày đặc hơn.
Trên đường đến núi lửa từ Pleiku, du khách sẽ đi ngang Biển Hồ. Vào buổi sáng, nước ở hồ phẳng lặng như tờ, phía đằng xa là những dãy núi nối tiếp nhau, những áng mây trôi bồng bềnh trên đỉnh khiến cho cảnh vật càng thêm thơ mộng.
Xu Kiên
Ảnh: Hồ Hải - Nguyễn Tấn Kần