Ngắm biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) từ lúc 5 giờ sáng, tôi đã thấy hình ảnh từng đoàn người cầm vớ đi xúc giắt, đón thuyền cá cập bến. Do tính chất vùng làm du lịch nên hầu hết vùng ven biển nơi đây đã bị trưng dụng để làm nhà nghỉ, khách sạn, phục vụ du lịch. Vì vậy, các tàu cá chỉ có thể cập bến vào lúc tối muộn hoặc sáng sớm.
Một ngày làm việc của bà Nguyễn Thị Thu (trái) thường bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 11 giờ tối. Ảnh: Thuỳ Anh
Chị Nguyễn Thị Thơ (35 tuổi) với chất giọng vùng biển đặc sệt, đang cầm trên tay thùng xốp tâm sự: “Sáng nào vợ chồng tôi cũng dậy sớm, gom hàng hải sản bán cho các nhà hàng. Đợt nào hiếm hàng lại chuyển qua nghề khác”.
Chị Thơ cho biết, kể ra vợ chồng chị làm cả chục nghề, từ việc thu mua hải sản, tới việc làm tạp vụ, phục vụ cho mấy nhà hàng ở bãi biển, rồi bán diều, bán lạc, nem, bánh kẹo… “Mình là lao động tự do, không làm thì lấy gì mà ăn. Với lại vùng biển này, mùa hè làm không hết việc nhưng 3 mùa còn lại ế ẩm lắm”- chị Thơ nói.
Theo chị Thơ, nếu tính từng công việc thì thu nhập không nhiều, nhưng mỗi thứ cộng lại một chút thì tháng nào khiêm tốn anh chị cũng thu được 20-25 triệu đồng. Đấy là chưa kể, vào hè, 2 cậu con trai anh chị được nghỉ học cũng phụ giúp bố mẹ bán hàng rong.
“Thực ra mấy năm trước, bán hàng rong ở đây đắt khách hơn nhiều, tháng kiếm 20-30 triệu là chuyện bình thường. Từ khi biển Sầm Sơn quy hoạch lại thì mọi thứ nơi đây đẹp hơn, bài bản hơn, nhưng lao động tự do như chúng tôi lại khó làm ăn hơn” – chị Thơ tâm sự thêm.
Cũng như chị Thơ, có tới 80% dân số ở các phường trung tâm như Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Cư… của Sầm Sơn mưu sinh nhờ những nghề tự do như buôn bán hải sản, bán hàng rong, kinh doanh nhà nghỉ… Thu nhập khá, nhưng công việc tương đối vất vả, phải làm ngày làm đêm, cả ngày chỉ được ngủ 4-5 tiếng.
“Thu nhập khá nhưng lao động ở đây thường đối mặt với nhiều rủi ro. Thi thoảng bị công an phường truy quét, lại bị mất hàng hoặc ế hàng” – bà Nguyễn Thị Thu một người bán hàng rong (bán trứng luộc, bán lạc) chia sẻ.
Hiện tại, theo số liệu của Ban quản lý du lịch biển Sầm Sơn, nơi đây có khoảng gần 1.000 người hành nghề buôn bán hàng rong, giảm gần nửa so với 2 năm trước. Trước đây biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) nổi tiếng với việc chặt chém khách du lịch, thế nhưng từ sau khi chính quyền có chủ trương làm sạch môi trường du lịch thì những hiện tượng này không còn. Dù mang lại tín hiệu tích cực cho du lịch, nhưng với dân bán hàng rong, điều này lại trở thành nỗi lo lắng vì mất việc làm, giảm thu nhập.
Nghề phụ thu nhập chính
Cũng như nhiều lao động khác ở vùng biển, anh Nguyễn Hùng Thanh (45 tuổi, phường Trung Sơn) sống bằng đủ thứ nghề. Nghề chính của anh là làm đại lý cung cấp sơn tường, còn nghề phụ thì kể mãi cũng không hết.
“Ngoài làm đại lý sơn, hiện nay mình còn làm thêm công việc quản lý nhà nghỉ, khách sạn cho mấy người bạn thân. Công việc chính là dẫn khách, tìm phòng. Ngoài ra, mình cũng thu mua hải sản cho khách du lịch nếu họ cần. Nghe thì đơn giản nhưng nếu không làm quen thì rất khó” – anh Thanh nói.
Mặc dù chỉ là nghề phụ, nhưng lại mang thu nhập chính cho anh. Một tháng anh Thanh phải kiếm 30 triệu đồng từ nghề quản lý, đưa khách. “Giờ bán hàng rong không ăn thua nữa, bán thì được ít, lại phải bán đúng giá, thi thoảng lại bị công an rượt đuổi nên đội ngũ này giảm nhiều. Thay vào đó, lao động tự do, bán hàng rong chuyển sang tìm khách cho nhà nghỉ. Một số thì lái xe điện, xin làm tạp vụ, lau dọn cho các nghỉ, thu mua hải sản cho nhà hàng…” – anh Thanh kể.
Chị Nguyễn Thị Lan - nữ lái xe điện tại bãi biển Sầm Sơn cho hay, hiện tại chị đang làm nhân viên cho công ty chuyên cung cấp linh kiện máy tính với thu nhập hàng tháng rất thấp, chỉ 3,5 triệu đồng. Vì vậy chị bàn với gia đình mua xe điện, gia nhập Hợp tác xã xe điện của thành phố để tranh thủ đưa đón khách du lịch vào thứ 7- chủ nhật.
“Dưới này vùng du lịch nên mọi người làm đủ nghề, làm gì có tiền là mọi người làm thôi. Chạy xe điện chỉ là nghề phụ của cả nhà nhưng tháng nào trung bình gia đình mình cũng thu được hơn 20 triệu đồng. Đủ để cả nhà ăn uống, chi tiêu” – chị Lan nói.