Là đô thị lớn, nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau, TP.HCM là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những di tích, công trình đang được gìn giữ và khai thác tốt thì đâu đó vẫn còn những di tích đã bị phá huỷ, hư hỏng nghiêm trọng, cần sớm được trùng tu, sửa chữa.
Hai di tích đang được dư luận đặt sự quan tâm thời gian qua là khu di tích Lò gốm Hưng Lợi và Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Tân Tân Túc (quận 7).
Theo hồ sơ công nhận, khu di tích Lò gốm Hưng Lợi có diện tích hơn 50.000m2, được chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực lõi bảo vệ nghiêm ngặt là 836m2, bao quanh bởi khu vực 2 với khoảng 10.000m2. Thế nhưng, hiện tại hai khu vực này đã bị đào bới, san lấp, trồng cây xanh và có hơn 100 căn nhà mọc lên.
Trong một báo cáo của UBND quận 8 về thực trạng Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi có nhận định, di tích này qua thời gian không ngừng bị xuống cấp và lấn chiếm, trở thành phế tích.
Năm 2017, một phần di tích khu vực bảo vệ 1 bị ủi, san lấp, xâm hại có diện tích khoảng 200m2, phần cao của đỉnh lò bị san bằng, một mảng tường của lò bị sập. Năm 2019, di tích tiếp tục bị xâm hại, toàn bộ phần cổng di tích tiếp tục bị đập phá, san ủi…
Trong khi đó, di tích đình Tân Túc là ngôi đình có lịch sử trên 100 năm. Năm 1852, để ghi nhớ công lao của người đã khai phá, khẩn hoang vùng đất này, vua nhà Nguyễn là Tự Đức đã phong sắc ”Thần” với tên của Thần là “Thành Hoàng Bổn Cảnh Chính trực Đôn Ngư”.
Ngôi Đình được xây dựng để thờ cúng vị thần này kể từ khi có sắc phong của Vua cho đến naỵ. Nhân dân trong vùng rất thành tâm, kính ngưỡng và thường tổ chức các lễ cúng tại đây. Tuy nhiên, hiện di tích đình Tân Túc đang xuống cấp rất nghiêm trọng, nhiều hạng mục hư hỏng nặng, có khả năng sụp đổ, gây nguy hiểm.
Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam