VnMedia - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017 xếp hạng Hải Vân quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Điều đặc biệt, đây là di tích quốc gia đầu tiên của cả nước nằm trên địa phận của hai địa phương huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) và quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng).
Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các cấp nơi
có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích
theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Khu vực bảo vệ di tích
được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di
tích trong hồ sơ.
Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh
Mạng thứ 7 (Bính Tuất -1826). Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Phía
trước, phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân
quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”). Đây không
chỉ là công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo mà còn ý nghĩa lịch sử
quan trọng.
Để đến được Hải Vân Quan, bạn cần phải
đến đèo Hải Vân. Ðèo Hải Vân nổi lên trên nền nước biển xanh ngắt của
biển Ðông, trải dài khoảng 20 km từ Huế đến Ðà Nẵng. Ðó là một vùng đèo
cao nằm dọc theo bờ biển dài 1600km của Việt Nam. Trong nhiều thế kỉ,
vùng đèo này đã tạo thành một bức tường ngăn cách giữa nền văn hoá Chàm
cổ ở phía Nam và nền văn minh kế thừa của tộc Việt tại vùng châu thổ
sông Hồng, là đường phân chia giữa những ảnh hưởng văn hoá từ phía bắc
và phía nam châu Á.
Ngày nay, đèo Hải Vân là hàng rào khí
hậu giữa vùng nhiệt đới chịu ảnh hưởng của gió mùa Nam Á là miền Nam với
khí hậu 2 mùa: mùa khô và mùa mưa và miền Bắc nằm trong khí hậu cận ôn
đới. Ði trên quốc lộ số 1, bạn sẽ cảm nhận được làn gió mát mơn man đồng
thời thưởng thức những phong cảnh tuyệt vời trên dọc đường đi tới một
trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Từ Ðà Nẵng, theo quốc lộ số1, chúng ta
vượt sông Nam Ô, kề với một làng trùng tên vốn nổi tiếng khắp đất nước
là nơi sản xuất ra loại nước mắm ngon nổi tiếng. Bắt đầu từ đây, con
đường dốc dần lên, như sợi chỉ trắng quấn trên triền núi xanh lục, cho
tới khi lên đến đỉnh sẽ thấy toàn cảnh vịnh và thành phố bên dưới hiện
ra đột ngột, đẹp đến sững sờ. Xa xa, dải cát trắng phau của bãi biển Non
Nước trải rộng tới tận chân trời, vượt ra tận những tảng đá chênh vênh
của Ngũ Hành Sơn.
Từ trên độ cao 496m, ngọn đèo của
những đám mây đại dương này đem lại cho ta những phong cảnh đầy ấn tượng
về dải bờ biển kéo dài của Việt Nam. Trên đỉnh đèo có miếu nhỏ thờ thần
núi được hình tượng hoá bằng bức tượng một con hổ - vị chúa tể sơn lâm,
trong khi có một số miếu nhỏ nằm dọc đường để tưởng nhớ những người gặp
nạn. Rong rêu đã mọc đầy trên chiếc lô cốt - được gọi là Ðồn Nhất - do
thực dân Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ con đèo chiến lược này. Nó
bền bỉ bám trên sườn núi hàng chục năm nay và từ đây có thể kiểm soát
được suốt dọc con đèo từ cả hai phía. Ðồn Nhất đã chứng kiến biết bao
cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam trong suốt thời kì đấu tranh chống
thực dân Pháp đô hộ. Sau đó lô cốt này được chuyển sang tay quân Mỹ và
quân đội nhân dân Việt Nam đã có lần sử dụng thành lũy này để nã pháo
vào Ðà Nẵng.
Con đường bắt đầu xuống dốc, xuôi về
thành phố Huế. Nhìn từ trên cao, con đường trông như sợi chỉ chạy ngoằn
ngèo với rất nhiều khúc ngoặt gây cho ta cảm giác con đường kéo dài vô
tận. Nhưng chỉ đến khi bạn bắt đầu mất hy vọng thì ô tô lượn quanh khúc
ngoặt cuối cùng và một phong cảnh hết sức ngoạn mục hiện ra trước mắt
bạn: bãi biển và làng chài Lăng Cô.
Cho dù là chặng nghỉ chân giữa chừng hay
là điểm cuối cùng của chuyến đi, Lăng Cô là địa chỉ tuyệt vời của
chuyến vượt đèo Hải Vân. Từ đây trở đi, trên những con đường đồng bằng,
bạn có thể thoải mái ngắm nhìn những cánh đồng lúa bát ngát cùng những
làng quê thanh bình dọc trên hai con đường dẫn tới thành phố Huế.
Một số hình ảnh tuyệt đẹp tại Hải Vân quan:
Với vị trí tuyệt vời, đứng từ Hải Vân quan có thể ngắm nhìn toàn bộ Đà
Nẵng và mang đến cho bạn những cảm giác khác lạ. Chính vì thế, nơi đây
còn là điểm đến lý tưởng cho những người ham mê chụp ảnh, để có những
góc máy đẹp về thành phố năng động Đà Nẵng.
Nhật Lâm