Sáng 23/11/2010, Ngày hội Di sản phố cổ đã khai mạc tại 3 địa điểm là Trung tâm Thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào – Hà Nội.
Ngày hội Di sản phố cổ nhằm mục đích tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Khu phố cổ Hà Nội, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hà Nội xưa.
Chính từ ngày Di sản, mà vấn đề bảo tồn lại được đặt ra. Theo Ban quản lý phố cổ, một điều quan trọng trong công tác bảo tồn là cần huy động được cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, cần đảm bảo lợi ích của người dân trong quá trình bảo tồn. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện dự án giãn dân khu phố này.
Giãn dân phố cổ nhằm cải thiện chất lượng đời sống cho nhân dân, giảm mật độ dân số sống trong phố cổ, có điều kiện để bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của khu phố là cần thiết nhưng cũng khá khó khăn. Khi mà khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường.
Ngày hội Di sản phố cổ sẽ diễn ra với các hoạt động như giới thiệu nét văn hóa trà Việt, tái hiện không gian sống, nét sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội xưa và giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ cổ…
Đặc biệt, những phố nghề và nhà cổ chính là hai nét tiêu biểu rất độc đáo của di sản quý giá này. Qua đó cũng là dịp quảng bá tới du khách, đặc biệt là khách quốc tế về di sản đặc trưng của thủ đô Hà Nội.
Theo ông Trần Ngọc Châu ( ở số 39 phố Hàng Buồm): "Cách tổ chức 'Ngày hội Di sản phố cổ' như nối dài vào Đại lễ. Mọi chương trình được tổ chức tại Hà Nội trong năm 2010 này vẫn mang trọn vẹn ý nghĩa mừng Hà Nội 1000 tuổi. Có lẽ vì thế mà việc tuyên truyền cho người dân về tôn vinh vẻ đẹp vốn có của phố cổ sẽ thành đợt "nóng hổi", tiếp nối như cuộc vận động dài hơi, nhằm dễ phát huy hiệu quả hơn là những phát động lẻ tẻ./.
Nguồn : Vietnam+