Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Ðông Bắc có quy mô lớn được tổ chức định kỳ, luân phiên ở các tỉnh thuộc khu vực: Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Năm nay, ngày hội được tổ chức tại vùng Ðất Tổ (Phú Thọ) từ ngày 14 đến 17/4 (tức ngày 1/3 đến hết ngày 4/3 âm lịch) đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010.
Ðây là một trong những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mở đầu cho các hoạt động hướng tới Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho nên càng có ý nghĩa sâu sắc. Ngày hội khiến ta liên tưởng ngay đến 100 người con lên rừng, xuống biển trong truyền thuyết cha Rồng, mẹ Tiên nay mang theo vóc dáng cùng những tinh hoa văn hóa của vùng trời Ðông Bắc về với Ðất Tổ. Hơn hai nghìn diễn viên, nghệ nhân đem về ngày hội những tiết mục nghệ thuật chọn lọc, đặc sắc nhất của các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn: điệu khèn Mông da diết yêu thương, tiếng đàn tính cùng lời hát then của người Tày đầy quyến rũ bên điệu hát Xoan Phú Thọ tràn đầy sức sống của mùa xuân đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những điệu múa uyển chuyển mà sôi động trong các bộ trang phục duyên dáng nhiều mầu sắc của các chàng trai, cô gái các dân tộc... Các tiết mục đều mang đậm nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của mỗi địa phương với những điệu dân ca, dân vũ, những diễn xướng độc đáo. Sau khi biểu diễn trong đêm khai mạc, các đoàn nghệ thuật của chín tỉnh vùng Ðông Bắc dự lễ dâng hương tại Ðền thờ Lạc Long Quân, Ðền mẫu Âu Cơ, Ðền Thượng và diễu hành từ Ðền Hùng về TP Việt Trì - huyện Lâm Thao - Bãi Bằng...
Bên cạnh biểu diễn nghệ thuật, ngày hội còn có nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú: Trưng bày giới thiệu văn hóa các dân tộc vùng Ðông Bắc tại Bảo tàng Hùng Vương, triển lãm các tác phẩm hội họa, tranh thờ dân gian, các dân tộc thiểu số vùng Ðông Bắc tại Nhà văn hóa lao động tỉnh Phú Thọ. Mỗi tỉnh, mỗi đơn vị tham gia ngày hội được bố trí một khu đất 100m² để dựng trại văn hóa, mô phỏng nơi sinh hoạt ăn ở của một dân tộc cụ thể ở một địa phương, trưng bày những hiện vật văn hóa tiêu biểu như đồ thờ tự, trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động... Ðồng thời đây cũng là nơi giao lưu, quảng bá giới thiệu phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử. Ở đây mỗi tỉnh lựa chọn một lễ hội truyền thống tiêu biểu của địa phương để trình diễn. Trại văn hóa cũng là nơi quảng bá du lịch của mỗi địa phương.
Các chương trình diễn xướng văn hóa dân gian, giới thiệu ẩm thực dân gian, trình diễn và giới thiệu trang phục dân tộc liên tiếp được tổ chức trong thời gian diễn ra ngày hội. Riêng hoạt động thể thao các dân tộc vùng Ðông Bắc có các cuộc thi: môn vật dân tộc thi đấu cá nhân nam ở sáu hạng cân, môn đẩy gậy thi đấu cá nhân nam, nữ, môn kéo co mỗi tỉnh tham gia một đội tám vận động viên, môn bắn nỏ thi đấu cá nhân nam, nữ, môn cờ tướng mỗi tỉnh được cử hai vận động viên thi đấu.
Qua nhiều năm tổ chức, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Ðông Bắc thể hiện rõ mục tiêu gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc. Với tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn, các tỉnh vùng Ðông Bắc đã tích cực chuẩn bị công phu những chương trình tham gia ngày hội. Ðó là những bông hoa văn hóa nghệ thuật rực rỡ dâng lên ngày Giỗ Tổ linh thiêng.
Nguồn: Báo Nhân Dân