(Dân trí) - Sau đại dịch Covid-19, du lịch Nghệ An đang giảm mạnh, lượng khách và doanh thu du lịch 4 tháng đầu năm giảm 60% và cần những kế sách, biện pháp để phục hồi ngành du lịch.
Sáng 31/5, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và Hội đồng Tư vấn du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19 tỉnh Nghệ An năm 2020”.
Khoảng 500 đại biểu đã đến tham dự hội thảo trong đó có đại diện các hãng hàng không, đường sắt. doanh nghiệp du lịch cùng các chuyên gia ngành Du lịch.
Buổi hội thảo được tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An).
Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại về kinh tế trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam và du lịch là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất. Riêng tỉnh Nghệ An, lượng khách và doanh thu du lịch 4 tháng đầu năm 2020 giảm trên 60% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh doanh, văn hóa - xã hội đã trở lại bình thường, du lịch đã có dấu hiệu hồi sinh.
Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu và mức chi tiêu của khách du lịch có nhiều thay đổi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách đến Nghệ An còn ở mức thấp, chủ yếu là khách trong vùng, thời gian lưu trú ngắn.
Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi hội thảo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, xúc tiến, quảng bá du lịch, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phát động Chương trình kích cầu du lịch "Nghệ An - Điểm đến an toàn và khác biệt".
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Hội thảo tập trung thảo luận những giải pháp để Nghệ An phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh; nhất là giải pháp tăng lượng khách lưu trú không chỉ tập trung vào mùa hè. Bởi thực tế là khách lưu trú ở Nghệ An còn thấp, đa số các điểm du lịch mới chỉ là điểm dừng nhiều hơn là điểm đến...
Các đại biểu cùng thảo luận, gợi ý để Nghệ An có thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên các thế mạnh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần các giải pháp thúc đẩy phát triển tour - tuyến - kết nối với các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh; quảng bá du lịch...
Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Hiện tại, Nghệ An rất cần sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, sự chung tay kết nối của các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, các hãng hàng không, công ty lữ hành, chuỗi khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí trong nước để chương trình kích cầu nội địa thực sự hiệu quả, hấp dẫn, lan tỏa rộng rãi và thu hút đông đảo khách du lịch về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Đánh giá chung về xu hướng khách du lịch thời hậu COVID-19, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, khách du lịch đã đa dạng hơn, có nhu cầu khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới, điểm check in đẹp, lạ… Do đó, các sản phẩm du lịch, điểm đến cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu du khách.
Ông Dũng chia sẻ, để thu hút du khách đến Nghệ An thời gian tới, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ hết năm 2020 cho các khách sạn, doanh nghiệp du lịch vận chuyển tại địa phương để giảm giá thành sản phẩm ít nhất 30%, gia tăng giá trị tour du lịch và dịch vụ khác biệt để kích thích nhu cầu du lịch. Đồng thời, tỉnh thay đổi phương thức quảng bá, sử dụng nền tảng mạng xã hội để làm nổi bật điểm đến du lịch Nghệ An “hấp dẫn, khác biệt nhưng thân thiện” theo các chủ đề và mùa vụ với các khẩu hiệu khác nhau.
Các đại biểu tham gia buổi hội thảo tập trung thảo luận các biện pháp phát triển du lịch.
Bên cạnh chính sách giảm giá vé thắng cảnh, giá dịch vụ, tỉnh cần có chính sách và giá khác biệt cho doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp đưa điểm đến vào quảng bá du lịch trọn gói năm 2020 - 2021; đầu tư hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các chương trình du lịch nội tỉnh hoặc liên tỉnh với các tour ghép thường xuyên dành cho du khách đến nghỉ dưỡng, công tác tại Nghệ An. Ngoài ra, cần kết nối Cảng hàng không Vinh nối chuyến xuyên suốt với chuyến bay quốc tế, tiếp tục mở đường bay quốc tế sau khi hết dịch, kết nối đường sắt với các phương tiện trung chuyển.
Tại Nghệ An, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi lưu giữ những di sản vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đến, địa chỉ đỏ của đồng bào, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, trong thời gian tới cùng với việc thực hiện các giải pháp thu hút, phục vụ tốt du khách cần sớm thực hiện nâng cấp tổng thể Khu di tích gắn với phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống các dịch vụ phục vụ khách du lịch ở khu vực lân cận và trên địa bàn huyện Nam Đàn để có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ du khách du lịch. Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn famtrip, presstrip khảo sát các sản phẩm mới tại Khu di tích Kim Liên và các khu vực lân cận (Đền Chung Sơn, Ao sen Hợp tác xã với Bác Hồ) gắn với trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên phát biểu.
Tại buổi hội thảo, đại diện các công ty, doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất các giải pháp liên kết, hợp tác hiệu quả trong khai thác và thu hút khách du lịch đến Nghệ An. Cụ thể là đưa ra chương trình kích cầu ngắn hạn cho khách du lịch bằng việc phối hợp với các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn, điểm đến, khu du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng (thời gian 3 - 5 ngày), giá thành hợp lý đến với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch độc đáo của Nghệ An như: Cửa Lò, quê Bác kết hợp với khu du lịch Đảo Chè Thanh Chương, Khu du lịch Sinh thái Phà Lài VSC, Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, Điểm du lịch cộng đồng Bản Nưa, Bản Hoa Tiến…
Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đã ký kết thoả thuận liên kết, hợp tác kích cầu thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa.
Mặt khác cần tạo ra liên minh kích cầu du lịch từ 10 - 20 doanh nghiệp lữ hành lên các tour trọn gói, khởi hành hàng tuần để kích cầu du lịch, tăng tính thân thiện, an toàn của du lịch Nghệ An với du khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; phối hợp với các đơn vị lữ hành cả nước chào bán các sản phẩm du lịch xứ Nghệ mang tính chất liên minh.
Phát biểu tổng kết buổi hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch lưu ý tỉnh Nghệ An cần tiếp tục chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm đảm bảo an toàn và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để Nghệ An luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong tuyến hành trình du lịch xuyên Việt.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch phát biểu tổng kết buổi thảo luận.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá đối với các thị trường du lịch trọng điểm gắn với chương trình kích cầu du lịch, nghiên cứu mở rộng các thị trường mới. Chỉ đạo các doanh nghiệp có các chính sách, gói sản phẩm dịch vụ khuyến mại, giảm giá kích cầu du lịch năm 2020 đi liền với nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thu hút đầu tư để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để xây dựng chuỗi sản phẩm liên tỉnh, liên vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để hội nhập và phát triển.
Nguyễn Duy