Nơi ở gắn với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm đến gây ấn tượng nhất với du khách trong khu di tích Kim Liên.
Khu di tích Kim Liên nằm ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) có các điểm và cụm di tích cách nhau 2-10 km. Nơi đây lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Khu di tích được trùng tu và xây dựng lại từ những năm 1960. Năm 1979, nơi đây được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất của cả nước liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụm di tích Hoàng Trù, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 3.500 m2, bao gồm: Nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan (cha mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Hàng năm, khu di tích đón tiếp hàng triệu khách trong và ngoài nước tham quan.
Ngôi nhà tranh 5 gian của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép, ông bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong căn nhà này, năm 1868, bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã chào đời.
Ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, nằm trên đất vườn.
Nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân - dòng họ có truyền thống hiếu học ở Nghệ An.
Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi về cho gia đình khi tham gia kháng chiến được phóng to lưu giữ tại làng Hoàng Trù.
Chiếc giường nhỏ, đơn sơ bằng gỗ xoan, trải chiếu mộc vẫn còn lưu giữ lại tại nhà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen dựng lên từ quỹ công để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc, cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ông đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Cây cối mọc um tùm phía trong vườn đều do người dân trồng cho ông.
Du khách cũng có thể cảm nhận được một làng quê xứ Nghệ bình yên khi vào thăm những nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ đó như: nhà cụ cử Vương Thúc Quý, nhà của cụ đồ nho...
Hữu Khoa