Du lịch là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của châu Á và không có dấu hiệu bị “đuối hơi” ngay cả khi kinh tế toàn cầu chao đảo. Đi du lịch nước ngoài để điều trị y tế hiện là ngành kinh doanh kiếm được nhiều tỉ đôla.
|
Một bác sĩ phẫu thuật (trái) nói chuyện với bệnh nhân từ Úc đến Seoul hút mỡ ở bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Dongyang BK - Ảnh: Reuters |
Từ phẫu thuật chỉnh hình đến phẫu thuật nối động mạch tim, các bệnh viện từ Ấn Độ đến Singapore, Hàn Quốc điều trị hơn 1 triệu bệnh nhân nước ngoài mỗi năm với các phẫu thuật giảm giá, công nghệ vượt trội và bác sĩ được đào tạo tốt.
"Du lịch y tế châu Á dường như ngày càng phát triển khi sự giàu có và năng động tăng lên ở châu Á" - ông David Vequist, giám đốc Trung tâm nghiên cứu du lịch y tế tại Trường University of the Incarnate Word ở Texas, nói.
Trang web Medscape News dự báo du lịch y tế ở châu Á có thể tạo ra 4,4 tỉ USD năm 2012. Nhiều bệnh nhân sẵn sàng chi trả để "sửa chữa" vấn đề của họ. "Đắt thế nào cũng không thành vấn đề, tôi sẽ chi" - Liu Xiao Yang, 34 tuổi, ở Thượng Hải, nói sau khi đã phẫu thuật làm mắt hai mí, căng da mặt và chỉnh hàm tại Seoul.
Làn sóng Hàn Quốc
Sự nổi lên của một tầng lớp giàu có ở Trung Quốc và sự say mê với cái gọi là Hallyu hay làn sóng Hàn Quốc, văn hóa từ nhạc pop đến phim ảnh đã thúc đẩy du lịch y tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh, chủ yếu trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
"Xem phim Hàn Quốc và các chương trình truyền hình, tôi thấy họ đẹp và tôi muốn trông giống họ" - Liu Xiao Yang nói.
Các chuyên gia dự đoán ngành du lịch y tế ở châu Á sẽ tăng trưởng với tốc độ 15-20%/năm, chủ yếu do sự nổi lên của giới giàu có trong khu vực. Hiện Mỹ cung cấp nhiều bệnh nhân nhất vì người Mỹ chọn hình thức này để tránh các chi phí lớn khi trị liệu riêng tại nhà và thông thường họ có thể tiết kiệm 40-50%.
Han Dong Woo thuộc Viện Phát triển ngành y tế Hàn Quốc cho biết số lượng khách du lịch đến Hàn Quốc năm ngoái tăng vọt gần 82.000, tạo ra khoảng 700 triệu USD doanh thu, trong khi ba năm trước đó có chưa đến 8.000 người. Ông dự đoán khoảng 200.000 khách sẽ đến vào năm tới. |
Kim Byung Gun, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Dongyang BK ở Seoul, cho biết bệnh nhân của ông trong độ tuổi từ 6 (làm mắt hai mí) đến 70 tuổi (căng da). Trung bình họ chi 5.000-10.000 USD cho mỗi quy trình.
Chính quyền Hàn Quốc có mọi lý do để lạc quan về sự tăng trưởng của ngành này, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ tự chọn bởi chi phí phẫu thuật ở Hàn Quốc hiện chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ. Chính phủ Hàn Quốc dự tính đến năm 2020 đón được 1 triệu khách du lịch y tế mỗi năm.
"Du lịch y tế sẽ là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc" - ông Kim cho biết, nhận diện làn sóng Hàn Quốc là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh chóng của du lịch y tế trong nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Ấn Độ, Đông Nam Á
Là một trong những điểm du lịch y tế phát triển nhanh nhất, nhưng hiện Hàn Quốc đang tụt lại sau Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, thậm chí cả Philippines với những chiến lược tiếp thị đặc biệt nhằm nỗ lực thu hút khách hàng cũng như các lĩnh vực chuyên môn hóa. Thái Lan và Ấn Độ, hai điểm đến hàng đầu của châu Á, chuyên về phẫu thuật chỉnh hình và tim.
Chính phủ Ấn Độ cho biết dịch vụ y tế của họ rẻ các nước ở Đông Nam Á và xác định các bác sĩ nói tiếng Anh là một "yếu tố thoải mái lớn" đối với bệnh nhân. Đồng thời giới thiệu một loại thị thực đặc biệt phục vụ số lượng khách du lịch y tế ngày càng tăng.
Trong khi đó, Thái Lan đang quảng cáo nước mình như một điểm đến hai mục đích - điều trị y tế kết hợp với kỳ nghỉ hồi phục giá rẻ. Ngành chăm sóc sức khỏe Singapore định vị mình là một trung tâm cao cấp. Trong số khách hàng quen của nó có nhiều vị vua của Malaysia cũng như các nhân vật chính trị nổi tiếng và ngôi sao từ châu Á và Trung Đông.
Là nước láng giềng của Singapore, Malaysia thu hút gần 400.000 khách du lịch y tế năm ngoái và nhắm mục đích tăng con số này lên 1,9 triệu vào năm 2020, chủ yếu bằng cách hạ giá so với Singapore. Chưa hết, Philippines nhìn nhận nước mình là một điểm đến giảm giá và dự kiến số lượng khách du lịch y tế đạt 1 triệu vào năm 2015, tạo ra ít nhất 1 tỉ USD doanh thu nhắm vào bệnh nhân từ Mỹ, Canada, Đài Loan, Nhật Bản.
"Chúng tôi có thể cạnh tranh với phần còn lại của châu Á vì chúng tôi có lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ y tế và nha khoa chất lượng cao nhưng ở mức chi phí thấp hơn nhiều" - Marie Recarro, một quan chức thuộc Sở Du lịch ở thành phố Manila, phát biểu.
Rủi ro và nhược điểm
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã than thở việc gia tăng ngành du lịch y tế nói trêm làm trầm trọng thêm việc chảy máu chất xám từ hệ thống nhà nước sang tư nhân, từ các khu vực nông thôn sang thành thị.
Một bài báo xuất bản trên International Journal for Equity in Health (Tạp Chí Quốc Tế Về Công Bằng Trong Y Tế) năm ngoái cho biết các chuyên gia đang bị ảnh hưởng bởi mức lương cao hơn và công nghệ tốt hơn của khu vực tư nhân.
Nếu ngành du lịch y tế đạt được dù chỉ một phần nhỏ của sự tăng trưởng dự kiến, "điều này rốt cuộc có thể khiến người dân địa phương bị gạt ra ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ do nhu cầu từ các bệnh nhân nước ngoài có thể đẩy chi phí y tế lên đối với mọi người" - bài báo phân tích.
Các chuyên gia dẫn ra những lo ngại khác như sai sót về y tế, chăm sóc về sau lỏng lẻo, bảo hiểm, các vấn đề pháp lý và đạo đức.
Nguồn : Tuổi trẻ