Nằm trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác du lịch về cội nguồn giữa 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai năm 2011, lễ Hội "Âm vang Hồ Thác Bà" đã khai mạc tối 18/11, tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Hồ Thác Bà được hình thành từ năm 1970, với diện tích gần 20.000 ha, chạy dài gần 80 km, trên mặt hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình gắn với những huyền thoại bí ẩn cùng những địa danh, di tích lịch sử văn hóa hay những đình chùa nổi tiếng như chùa Trấu, chùa Vóc, nhà thờ Chính Tâm, đền Thác Bà, Thác Ông hay chợ Ngọc, chợ Ngà… và cả những bản làng người dân tộc thiểu số nơi đây đang mời gọi du khách khám phá.
“Biển hồ” Thác Bà được đánh giá là rộng lớn và đẹp của Việt Nam.
Ông Lê Văn Lương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình cho biết: "Hồ Thủy điện Thác Bà không chỉ là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc của tỉnh Yên Bái mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt nam. Nhà máy Thủy điện Thác Bà là "đứa con đầu lòng" của ngành thủy điện Việt Nam, là nhà máy thủy điện được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc nước ta trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng thế mạnh của hồ Thác Bà hiện chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của nó.
Việc tổ chức Lễ hội "Âm vang Hồ Thác Bà" nhằm quảng bá, liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ và tăng cường mở rộng hợp tác đầu tư về du lịch, công nghiệp với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước."
Lễ hội "Âm vang hồ Thác Bà" kéo dài từ ngày 17 đến hết ngày 20/11, bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với các chương trình tiêu biểu như: Hội chợ Thương mại - Du lịch với phiên chợ quê gồm các sản phẩm nông, lâm sản, công nghiệp, ẩm thực độc đáo; trình diễn trang phục các dân tộc vùng hồ Thác Bà; Hội đua thuyền “Âm vang Hồ Thác”; các tua du lịch Hồ Thác; Trưng bày, triển lãm thư viện sách lưu động và một số hình ảnh về văn hóa lịch sử vùng sông Chảy của Thuỷ điện Thác Bà...
Lễ hội "Âm vang Hồ Thác Bà" có sự tham gia của nhân dân các xã ven hồ thuộc các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang và Lào Cai và hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các hoạt động tổ chức tại Lễ hội đều hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hoá du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phát huy tính xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa./.
Nguồn : TTXVN