Những ngày tháng 4 nắng rực rỡ, bồi hồi theo con đường chiến dịch mùa xuân 1975 theo trục từ Bắc vào Nam, chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ Hà Nội ghé thăm Quảng Bình và dừng lại ở Quảng Trị thật lâu để thăm các địa danh trong khu vực phi quân sự DMZ (demilitarized zone).
|
Du khách quốc tế tham quan sân bay Tà Cơn với chứng tích máy bay Mỹ còn lại
|
Địa đạo giữa đại ngàn Trường Sơn
Giữa đại ngàn Trường Sơn có một điểm du lịch đang thu hút du khách - cụm địa đạo ANông (thuộc khu vực núi Bha Nơơm, xã ANông, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Cụm địa đạo được đơn vị công binh 43 cùng dân quân du kích địa phương đào từ những năm 1965-1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất. Đây là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm con người thời điểm máy bay Mỹ ném bom napalm rải khắp địa bàn vùng cao.
Hiện trong lòng địa đạo vẫn còn nguyên những trạm cứu thương, nơi chứa lương thực dự trữ, hầm làm việc, nơi trú quân...
Cụm địa đạo được phát hiện vào đầu năm 2008, có chiều cao 1,2-1,7m, rộng 1,5-2m, ở độ cao khoảng 1.036m so với mực nước biển.
Ngày 22-7-2009, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định xếp hạng cụm địa đạo ANông, gồm địa đạo Tâm Abóc, Ch’run, Abuôl, Bh’nơm và L’bơơi là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Alăng Ngước
|
Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử giờ đã là quốc lộ hai làn xe lấp loáng dưới ánh mặt trời và các trụ taluy phản quang. Từ Quảng Bình, điểm đến đầu tiên là bến phà Xuân Sơn thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đã đi vào sử sách.
Nhóm toàn đám trẻ thế hệ 7X, 8X bước đi trên đường mòn Hồ Chí Minh giờ phủ đầy cỏ dại mà vẫn run, sợ giẫm phải... bom mìn! Không còn dấu vết gì của chiến tranh khốc liệt, chỉ có màu xanh mát mắt phủ khắp nơi, cỏ xanh, cây xanh, trời xanh và sông Son xanh biếc.
Thuyền khua nhẹ mái chèo trên dòng sông Son, nhìn lũ trẻ trần truồng hồn nhiên nô đùa trên bãi sông và nghe bác chèo thuyền đứng tuổi khắc khổ kể chuyện mà rùng mình nghĩ đến hàng tấn bom đạn đã trút xuống cày nát dòng sông này, doi đất kia, cánh đồng ấy...
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Trước khi đi, Tuấn, dân Quảng Trị ra Hà Nội học kiến trúc, cười nhưng giọng như run khi bạn bè hỏi thăm đặc sản quê mình: “Chỉ có đặc sản là hai nghĩa trang thôi”.
Nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến máu lửa với những địa danh nghe đã thấy mênh mang trầm buồn: cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn, Tà Cơn, đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, nghĩa trang Trường Sơn, hàng rào điện tử McNamara...
Cầu Hiền Lương năm xưa giờ thành di tích lịch sử để tham quan, chỉ dành cho người đi bộ. Xuống xe bên bờ Bắc, mọi người nôn nao nhìn sang bờ bên kia, bao người dân Hiền Lương đã phải chia lìa xa cách nhau bởi một đoạn cầu ngắn ngủi. Cầu mới rộng thênh thang, xe cộ hối hả băng qua trên mặt sông lấp lánh yên bình.
Cô Đinh Thị Kim T., nhân viên hành chính của Đại học Washington Seattle, đi cùng rưng rưng chỉ tay sang bờ Nam trước khi bước từng bước trên những ván cầu bằng gỗ qua sông. Rời khỏi VN từ năm 1973, cô không ngờ có ngày mình vượt sông Bến Hải giữa trời xanh nắng vàng như thế này.
Cô cùng một người bà con rời Sài Gòn trước cả cô, hiện đang làm việc tại thủ đô Washington D.C (Hoa Kỳ), mong muốn thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng đường bộ và nhất thiết phải dừng lại tại các địa danh lịch sử gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ. Họ bảo muốn tận mắt nhìn thấy cảnh vật và cuộc sống của miền Trung đã chịu nhiều vết thương chiến tranh.
Trải nghiệm chiến tranh
Du lịch trong địa đạo Vịnh Mốc thật sự là một trải nghiệm kỳ thú. Olaf Richter, một khách du lịch người Đức, hỏi tôi: “Có bao giờ bạn tưởng tượng mình sẽ sống ở đây? Sẽ làm lễ cưới và sinh con đẻ cái dưới đường hầm này, mặc đạn bom cày xới khắc nghiệt trên đầu?”. Tôi không hình dung nổi... Vịnh Mốc có các đường thông ra biển.
Ngập đầu bước trong bóng tối, nhô đầu ra là thấy biển xanh thăm thẳm vĩnh cửu trước mặt, “nơi cuối trời mây nước có chia đâu” không hận thù, chiến tranh và chết chóc, bình yên lạ kỳ.
Hai người Việt kiều Mỹ ngỏ ý muốn đi cùng tôi tới nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn khi biết tôi muốn tới đó để thắp hương trên phần mộ người dì ruột, dù nơi này không nằm trong chương trình tour. Dì tôi hi sinh năm 1972 ở Quảng Trị khi mới 19 tuổi. Mất nhiều năm tìm kiếm, nhưng khi gặp dì ở đây gia đình tôi đã quyết định không đưa dì về quê. Ông ngoại nói dì ở đó với hàng nghìn đồng đội và được đồng đội chăm sóc, còn gì vinh dự hơn.
Các phần mộ liệt sĩ trải dài chi chít trên năm quả đồi rộng lớn bỗng chốc không còn khiến ai sợ hãi. Nắng gió quanh năm vỗ về ru những giấc ngủ thanh xuân ngàn thu.
Các bạn tôi đi quanh nghĩa trang thắp hương, trong khi cô T. và người bạn lại quan tâm xem sổ sách do ban quản lý nghĩa trang cung cấp. Họ ghi chép số liệu hài cốt liệt sĩ của từng địa phương, lắng nghe những chuyện kể quy tập hài cốt liệt sĩ. Mắt cả hai rưng rưng khi người quản lý nghĩa trang cặn kẽ kể chuyện.
Những cựu binh và các cựu nữ du kích năm nào đã nhận nhiệm vụ trông coi nghĩa trang, chăm chút nơi yên nghỉ của đồng đội mình và đón khách bốn phương tới viếng.
Nhưng ở Đông Hà thì khác. Bầu trời xanh ngắt trên đầu lúc xe chúng tôi đến đấy. Là một thành phố mới từ một đầu mối trung chuyển vũ khí và hàng hóa tạm bợ thời Mỹ - ngụy nhưng Đông Hà chứa trong mình không nhiều quá khứ. Cây xanh, những quán cà phê rộng rãi thú vị và những người dân nói cười rổn rảng, chân tình làm mọi người quên đi nắng nóng.
Từ phòng khách sạn, dòng sông Hiếu chảy êm đềm, hiền hòa như chưa hề có máu đỏ đổ sũng nơi này.
Mấy ngày ngắn ngủi ở đó, chúng tôi thích nhất ăn bánh bột lọc, ngồi quán cà phê và đi siêu thị (!). Bánh bột lọc miền Trung giản dị nhưng mặn mòi. Cô bạn người Quảng Trị nay đã làm dâu Hà Nội, qua điện thoại chỉ cho tôi “quán mà em hay ăn nhất chị hí” trên một con đường nhỏ. Mở miếng lá chuối thơm thảo, miếng bánh trong mờ bao hình con tôm ruộng đỏ ngọt ngào như tình thư còn phong nhụy kín.
Ngày xưa, dân vùng bão lửa Vĩnh Linh chỉ nhờ những miếng bánh sắn (không nhân, tất nhiên) này mà qua những ngày bão lửa...
|
Tượng đài tưởng niệm trung đội Mai Quốc Ca - Ảnh: L.Đ.Dục
|
Nằm cách Đông Hà 12km về phía nam theo quốc lộ 1 là thị xã Quảng Trị, thủ phủ cũ. Trên đường đi, nhìn về phía tay trái khi chuẩn bị qua dòng Thạch Hãn, sẽ thấy bên dòng sông huyền thoại nơi “đáy sông còn đó bạn tôi nằm” một tượng đài nhỏ nhắn nhưng ấn tượng, với 19 quả tim như những giọt máu đỏ vương trên dây thép gai, ghi nhận cuộc chiến đấu ngoan cường và anh dũng hi sinh của trung đội Mai Quốc Ca vào ngày 10-4-1972.
Giữa những tinh tú trên “ngân hà du lịch” miền Trung, Quảng Trị không phải là sao mà là ngọn lửa! Một ngọn lửa cháy suốt cuộc trường chinh oanh liệt và bi tráng của dân tộc, mà cái giá cho ngày hòa bình là những nghĩa trang lớn nhỏ nằm khắp góc bể bìa rừng với hàng vạn nấm mồ liệt sĩ giữa một xứ sở ngờm ngợp gió Lào và mịt mù cát trắng, những sản phẩm của tour du lịch DMZ đã bắt đầu từ đó...
Du lịch khu phi quân sự DMZ
|
Nguồn : Tuổi Trẻ