Tâm lý du khách còn e ngại, dịch vụ chưa hoạt động đồng bộ, giá thành cao… đang là những rào cản với du lịch nội địa.
Ghi nhận tại Vietravel cho thấy, tình hình khách đăng ký tour khá khả quan hậu Covid-19. Ngay khi mới mở cửa trở lại đã có 2 đoàn đi tour Phan Thiết vào tuần đầu tháng 5. Trung bình mỗi ngày có từ 100 – 300 khách đăng ký tour tại trụ sở chính công ty. Các điểm đến khách chọn nhiều nhất là Nam Trung bộ, Tây Nguyên và miền Tây.
Mặc dù thị trường du lịch nội địa đã ấm dần lên trong những ngày qua. Tuy nhiên, lượng khách đi du lịch thông qua các đơn vị lữ hành không nhiều, có doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử như BenThanh Tourist, hơn nửa tháng hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng do dịch bệnh, chỉ phục vụ được 7 khách tour free & easy. Tour trọn gói mới có 2 đoàn (35 khách) hỏi cho hành trình TP HCM – Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), dự kiến khởi hành cuối tháng 5.
"Sau thời gian ngừng hoạt động, tạm nghỉ vì dịch bệnh, du khách nội địa đang tập trung vào công ăn, việc làm. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa hoạt động trở lại hết công suất. Đây là một trong những rào cản để thúc đẩy du lịch trong nước", ông Trần Huỳnh Nguyên, Trưởng phòng khách lẻ của BenThanh Tourist, nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với việc học sinh nghỉ học kéo dài và đi học sau thời gian cách ly xã hội vì dịch bệnh, năm nay thị trường du lịch hè gần như mất trắng. Trong ảnh, tháp Bà Ponagar vắng khách trong ngày đầu mở cửa trở lại cuối tháng 4. Ảnh: Xuân Ngọc.
Nhiều đơn vị lữ hành như AZA Travel, Vietrantour... vẫn chưa triển khai bán tour trọn gói. Với gói combo, voucher hoặc tour free & easy, các doanh nghiệp này bán được số lượng không nhiều. "Lượng khách mua dịch vụ lẻ cũng thấp, chỉ khoảng 10 – 15% so với giai đoạn này năm ngoái", ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty AZA Travel, nói. Trong khi với nhiều hãng lữ hành, du lịch nội địa hiện là cứu cánh duy nhất đối với họ.
Tuy nhiên, ngay cả hướng đến thị trường nội địa thì du lịch cũng khó bật ngay lên bởi hết thời gian cách ly xã hội trẻ con đi học và kỳ nghỉ hè rất ngắn. Chưa kể, dịch Covid-19 đang làm suy thoái kinh tế và du lịch được coi là không thiết yếu nên dễ bị các gia đình, cơ quan "cắt" nhằm giảm chi phí.
Cũng theo ông Đạt, tâm lý lo ngại đám đông và lo lắng dịch bệnh vẫn "rình rập" nên cách đi du lịch của khách hàng cũng đổi khác. Thay vì mua tour trọn gói, đi theo đoàn đông cho vui, nay khách đi tự do, theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân và giao dịch online sẽ lên ngôi sau Covid-19. "Như vậy, kể cả khi khách đã đi du lịch trở lại, các bãi biển, khu du lịch trông có vẻ đông đúc, thì các hãng lữ hành vẫn tiếp tục 'ngủ đông", ông Đạt nói.
Bà Đinh Nguyệt Ánh, Tổng Giám Đốc Vietrantour cũng cho rằng, các hãng hàng không chưa được cấp phép khai thác tối đa trở lại, các chuyến bay bị giảm tần suất khiến giá vé máy bay cao. "Các resort, khách sạn đưa ra gói khuyến mãi nhằm kích cầu du lịch. Tuy nhiên, các điểm du lịch lân cận chưa mở cửa trở lại, việc này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp làm tour", bà Ánh nói. Theo bà, để kích cầu du lịch, công ty đang giới thiệu gói combo 3 ngày 2 đêm đi Quy Nhơn, Đà Lạt chỉ từ 2,7 triệu; Phú Quốc chỉ từ 3,4 triệu đồng nhưng sức mua không đáng kể.
Quảng Ninh miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Yên Tử cho dân địa phương và khách nội địa đi qua sân bay Vân Đồn; đồng thời có kế hoạch miễn phí vé cho công dân Việt Nam trong tháng 5 và một số ngày lễ của tháng 6, 7. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc An, đại diện Tập đoàn Aclass, giá dịch vụ tham quan danh lam, thắng cảnh trên địa bàn Quảng Ninh và Hải Phòng vẫn khá cao, khoảng 280 đồng/ngày/khách. Nếu qua đêm trên vịnh, phí dịch vụ lên tới từ 500.000 - 800.000 đồng/khách. Vì thế, ông An đề xuất giảm 50% giá dịch vụ để kích cầu. Ảnh: P.H.
Ông Nguyễn Châu Á, đại diện Oxalis cho biết, hạ tầng du lịch dành cho cả khách quốc tế và trong nước. Hiện nay, khách quốc tế không vào được khiến hạ tầng cho khách trong nước dư thừa. Do vậy, dù Chính phủ đã cho phép du lịch hoạt động trở lại nhưng vẫn còn nhiều khách sạn, công ty du lịch đóng cửa...
"Những khách sạn, công ty du lịch hiện nay đang cố gắng mở cửa có nghĩa họ đang quyết tâm trở lại với nhiều lý do như để nhân viên có việc làm, tạo doanh thu nhằm giảm bớt thiệt hại, hy vọng hòa vốn hoặc may mắn cầm cự khi du lịch bình thường trở lại", ông Châu Á nói.
Cũng theo ông Châu Á, từ nay đến cuối năm 2020, Oxalis chỉ bán 420 suất khám phá Sơn Đòong. "Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đã bán được 130 khách với mức giá 2.500 USD, tương đương giảm 16.6%. Đây là mức giảm sâu và không thể giảm thêm vì liên quan tới rất nhiều chi phí khác", ông Á nói. Ông cho biết dù đã đưa ra nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách nội địa nhưng năm nay Quảng Bình có thể chỉ đón được khoảng 40% khách trong nước so với năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Kim Trang, Phó Giám đốc khách sạn 3 sao Viễn Đông, quận 1, cũng thừa nhận, dù cơ sở của bà đang giới thiệu chương trình giảm giá 30% chi phí thuê phòng hội nghị; giảm 50% giá phòng lưu trú cho khách đặt giai đoạn từ 15/5 đến 30/6/2020. Tuy nhiên, lượng khách đặt dịch vụ rất ít. "Mặc dù có khách đặt phòng lưu trú nhưng tỷ lệ rất thấp. Có ngày chúng tôi không có booking nào", bà Trang nói.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour khẳng định, an toàn đang là tiêu chí đầu tiên trong việc xây dựng sản phẩm giai đoạn này. "Kể cả bán dịch vụ riêng lẻ thì tiêu chí đảm bảo an toàn cho khách vẫn được công ty ưu tiên hàng đầu", ông Dũng nói và cho biết thêm, giá giảm chỉ là điều kiện ban đầu để kích thích người dân quan tâm đến du lịch.
Cũng theo ông Dũng, quan trọng nhất hiện này là làm sao giải quyết được tâm lý lo lắng của du khách khi đi tour, nên cần xây dựng vùng an toàn, điểm an toàn và tour an toàn. Sau đó mới khuyến khích người dân đi du lịch song song với việc xây dựng chương trình kích cầu.
Bộ VHTTDL phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Trong ảnh, nhóm du khách Việt chụp ảnh lưu niệm ở cột mốc Km 0 tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: Văn Tùng.
Việc Bộ VHTTDL kích hoạt chương trình du lịch nội địa là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để chương trình đạt được hiệu quả cao, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần có sự chung tay từ nhiều phía. "Lữ hành chỉ là đơn vị thừa hưởng nên khó quyết định trong việc giảm giá tour, kích cầu du lịch. Từ trước đến giờ, các doanh nghiệp du lịch cũng xây dựng nhiều chương trình giảm giá, kích cầu. Nhưng để làm được điều đó, lữ hành cần hợp tác giữa các đơn vị cung ứng trong tour và mỗi doanh nghiệp cho ra một gói kích cầu riêng", ông Lê Hòa Hiệp, thạc sĩ chuyên ngành quản trị Lữ hành (Đại học công nghệ TP HCM), nói.
Đại diện Vietrantour đề xuất, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp lữ hành bằng việc đồng bộ trong việc mở cửa các điểm du lịch trên cả nước; đưa ra các tiêu chí an toàn cho từng điểm đến để đem lại sự an tâm cho du khách; đồng thời đưa ra các gói kích cầu để hỗ trợ thêm về giá hàng không, dịch vụ lưu trú để các gói sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.
Trong khi đó, theo ông Dũng, để kích cầu người dân đi du lịch, kể cả mua tour hay du lịch tự túc, trong giai đoạn hiện nay, ngoài tiêu chí an toàn thì giá vé cũng phải rẻ. Dịch vụ vận chuyển chiếm khoảng 50% giá tour cấu thành. Trong đó, bao gồm vé máy bay, dịch vụ mặt đất và di chuyển đường tour. Hiện nay, các khoản thuế, phí của hàng không tương đối cao nên đẩy giá vé máy bay lên cao, dù đã giảm giá. Nếu giảm được các loại thuế, phí của hàng không, giá tour sẽ xuống thấp và kích thích người dân sớm quay lại du lịch.
Nguyễn Nam