Để tìm hiểu thêm vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Ngô Khuyến - Hoàng Thắm thực hiện.
Xin ông cho biết một số kết quả đạt được của ngành Du lịch Ninh Bình trong thời gian qua và định hướng phát triển những năm tới?
Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển khá nhanh. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 29,38%/năm. Riêng năm 2010, Ninh Bình đón hơn 3,3 triệu lượt khách (có 700 ngàn khách quốc tế) đem về doanh thu 549 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đón gần 2,5 triệu lượt khách (430 ngàn khách quốc tế) tạo doanh thu 408 tỷ đồng… Du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động và mở rộng quan hệ với bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo định hướng của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Ninh Bình sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, trọng điểm như khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương, Kênh Gà - Vân Trình, khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh châu thổ đồng bằng sông Hồng… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh với các điểm Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm, các di tích lịch sử văn hóa thời Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn… Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ quan tâm phát triển các loại hình du lịch khác như: du lịch cuối tuần, du lịch trên sông, du lịch nghỉ dưỡng (tại các khu nước khoáng Cúc Phương, nước khoáng Kênh Gà), du lịch kết hợp với hội nghị, du lịch chơi golf tại khu liên hiệp thể thao- nghỉ dưỡng tại Đồng Thái- Yên Mô, du lịch làng nghề…
Ông đánh giá thế nào về các doanh nghiệp đang đầu tư khai thác du lịch tại tỉnh?
Trên địa bàn tỉnh hiện có 43 dự án đầu tư vào du lịch với tổng số vốn gần 8.000 tỷ đồng; gần 190 cơ sở lưu trú với hơn 3.000 phòng ngủ; các doanh nghiệp tiêu biểu như: Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An (trong đó có khu hang động Tràng An và chùa Bái Đính); Doanh nghiệp tư nhân khách sạn Thuỳ Anh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khách sạn Thuỳ Anh đạt tiêu chuẩn 2 sao và khách sạn Ninh Bình Huyền Thoại đạt tiêu chuẩn 4 sao tại thành phố Ninh Bình; Công ty CP du lịch Tân Phú đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nghỉ dưỡng Anamandra tại Vân Long- Gia Viễn; Công ty cổ phần đầu tư PV INCONESS đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khu liên hiệp thể thao - nghỉ dưỡng tại Đồng Thái - Yên Mô; Công ty cổ phần xây dựng Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khu Resort Cúc Phương Orion đạt tiêu chuẩn 4 sao tại Cúc Phương, Nho Quan…
Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế quan tâm, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, năm 2008, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức hội thảo “Giá trị di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư và khu du lịch sinh thái Tràng An”. Mục đích của Hội thảo xác định giá trị của Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An đặc biệt là những yếu tố có giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử văn hóa, địa chất, sinh thái. Với những giá trị sinh thái, văn hoá, lịch sử, địa chất, Ninh Bình sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu du lịch sinh thái Tràng An, với diện tích 12.000 ha bao gồm cả Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Cố đô Hoa Lư, khu núi chùa Bái Đính là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Nguồn : Vccinews