FIJINhững người làm trong ngành du lịch phải đối mặt với rắc rối nhân đôi: Covid-19 và tác hại của sự biến đổi khí hậu.
Hàng ngày, công việc của hướng dẫn viên lặn biển Ashwin Pal là đưa khách đi tham quan thế giới thần tiên của các rạn san hô rực rỡ ở Thái Bình Dương. Anh có một cuộc sống như trong mơ cho đến khi Covid-19 xuất hiện. Giờ đây, người đàn ông 35 tuổi này buộc phải đi săn những con cá neon, sinh vật anh từng tự hào khoe với du khách quốc tế, làm thức ăn nuôi vợ và bốn đứa con.
Pal mở cửa hàng chuyên đồ lặn biển từ ba năm trước, hoàn thành giấc mơ khi còn là một thiếu niên. Anh cũng quản lý một túp lều ven biển thuộc một khu nghỉ dưỡng cao cấp gần đó. Nhưng không còn khách quốc tế, nơi này phải đóng cửa và các nhân viên như Pal bị sa thải. Anh cũng tiêu hết số tiền tiết kiệm khi thất nghiệp suốt 8 tháng qua và không có thêm bất kỳ thu nhập nào.
Cuộc sống khó khăn, Pal chuyển từ lặn biển sang trồng rau, câu cá. Bức ảnh trên được chụp trên bờ biển Coral Coast ngày 6/12/2020. Ảnh: AFP
Đóng cửa ngành du lịch vì dịch bệnh không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất mà thiên đường nghỉ dưỡng như Fiji phải đối mặt. Biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng đang song song diễn ra, đe dọa môi trường biển trong khu vực.
Theo Pal, rất nhiều rạn san hô đã bị tẩy trắng và đang chết dần chết mòn. Hiện tượng tẩy trắng thường xảy ra do biến động nhiệt độ đại dương, biển ấm lên khiến san hô khỏe mạnh bị căng thẳng và trục xuất tảo cộng sinh trong các mô của chúng ra ngoài.
Fiji còn cũng thường xuyên bị tấn công bởi siêu bão cấp 5, mới nhất là bão Yasa đe dọa quốc đảo 900.000 người vào tháng 12/2020. Những siêu bão như vậy từng hiếm xảy ra, nhưng giới khoa học nhận định tần suất của chúng gia tăng là do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu còn tàn phá cả các rạn san hô và cơ sở hạ tầng du lịch. Những tác động mở ra một tương lai bất định cho Pal, cũng như hàng nghìn người khắp Thái Bình Dương đang sống dựa vào du lịch trong môi trường dễ bị tổn thương.
Viện nghiên cứu về khí hậu và những thành phố bền vững (ICSC) ở Manila, Philippines đại dịch đã làm trầm trọng thêm những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra cho Fiji. Giám đốc điều hành Red Constantino cho biết tại đảo quốc, ngành du lịch dường như "bốc hơi" hoàn toàn, lượng kiều hối nhỏ giọt và thương mại quốc tế bị gián đoạn. Mọi thứ như một đòn giáng mạnh vào quốc đảo nhỏ bé, người dân không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ những người hàng xóm giàu có như Australia hay New Zealand.
San hô bị tẩy trắng ở Fiji cũng là điều khiến các nhà bảo tồn môi trường đau đầu. Ảnh: AFP
Trên bãi biển rợp bóng cọ cách cửa hàng đồ lặn của Pal vài kilomet, nhà sinh vật biển Victor Bonito nghiên cứu về công tác bảo tồn các rạn san hô. Anh đã làm công việc này hàng chục năm qua và thể hiện rõ sự thất vọng qua giọng nói khi giải thích về thực trạng hiện tại.
"Từ 2014 đến 2016, chúng tôi chứng kiến san hô bị tẩy trắng khắp Fiji, chủ yếu là những san hô gần bờ, thuộc vùng nước nông. Trên bờ biển San Hô, chúng tôi đã mất 30-60% diện tích rạn san hô trong vài tuần - trong đó có những rạn san hô nơi khách du lịch có thể lặn với ống thở, ngay ngoài bãi biển", Bonito cho biết.
Bonito đang nuôi các chủng san hô chịu nhiệt để bổ sung cho các rạn san hô đã mất. "Nhưng nếu chúng ta không có một cam kết toàn cầu và không thực hiện nghiêm túc trên quy mô toàn cầu, các rạn san hô không chỉ ở Fiji mà khắp thế giới sẽ là một trong những hệ sinh thái đầu tiên mất đi", nhà nghiên cứu cho hay.
Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama khẳng định môi trường của Thái Bình Dương cảnh báo tình trạng sức khoẻ của cả hành tinh, và một hệ sinh thái có thể biến mất nếu không có hành động thiết thực nào để cứu lấy nó.
"Các quốc gia Thái Bình Dương chúng tôi có nghĩa vụ thay mặt người dân của mình và cả nhân loại, lên tiếng nhiều hơn để yêu cầu các nhà phát thải lớn đẩy mạnh các hành động và cam kết bảo vệ khí hậu. Nếu không, trong tương lai chúng ta không chỉ mất đi sinh kế, mà còn nhà cửa, cuộc sống", ông Bainimarama nói.
Anh Minh (Theo AFP)