Phát hiện suối đá kỳ lạ ở Gia Lai có niên đại trên 100 triệu năm
Một suối đá cổ mới được phát hiện tại làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đang thu hút du khách đến tham quan. Theo ý kiến của một số nhà địa chất mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham khảo, những khối đá này có độ tuổi trên 100 triệu năm.
Khảo sát của ngành chuyên môn và UBND huyện Chư Păh cho thấy, đây là suối đá Ia Ruai nằm trên địa phận thị trấn Ia Ly và xã Ia Phí, huyện Chư Păh. Dòng suối chảy qua nhiều làng thuộc thị trấn Ia Ly và xã Ia Phí trước khi đổ ra hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Ia Ly. Trên đoạn đến làng Vân của thị trấn Ia Ly dài khoảng 1km, trồi lên một bãi đá lộ thiên, tập trung nhiều và cao nhất ở hai điểm nằm cách nhau khoảng 30 mét. Hai bên dòng suối là các thanh đá hình lục lăng tương tự nhau, được sắp đặt sát nhau thành những khối đá rộng lớn, rắn chắc như một khối đông đặc, tương đồng với những khối đá tại Gành Đá Đĩa - di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Phú Yên.
Chị Hạ Thị Thúy, du khách đến từ thành phố Pleiku, cho biết, chị biết được thông tin của suối đá cổ này qua mạng xã hội. Dịp cuối tuần, chị đã đưa gia đình đến tham quan và ngạc nhiên khi thấy nơi đây giống với khu du lịch Gành Đá Đĩa ở Phú Yên. Chị rất thích và đã giới thiệu cho nhiều bạn bè đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của suối đá này.
Với những đặc điểm địa chất độc đáo và một số câu chuyện gắn với dòng suối do người dân Jrai kể lại, suối đá cổ có vị trí xứng đáng trong tour du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya - Thủy điện Ia Ly (thuộc huyện Chư Păh, Gia Lai). Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chư Păh nhận định, đây là một địa điểm có tiềm năng du lịch, cần được bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng. Do đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chư Păh đã đề xuất với UBND huyện cần cải tạo con đường dẫn vào suối đá, trồng cây muồng vàng ở hai bên đường ven bờ suối để tạo bóng mát cho du khách tham quan; xây dựng 2 cây cầu dẫn qua suối của bãi đá trên và bãi đá dưới để phục vụ khách tham quan.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai), cho biết, suối đá cổ là một địa điểm có tiềm năng du lịch, có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng di tích của tỉnh Gia Lai. Suối đá cần được bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát để xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch, bổ sung danh mục kiểm kê và dự kiến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đối với địa điểm này trong thời gian tới.
|
Đường tới suối đá rất dễ đi, chỉ cần tới thị trấn Ia Ly hỏi người dân, ai cũng biết địa điểm này
|
|
Đây còn là nơi vui chơi của các em nhỏ ở làng Vân tới bắt cá, bơi lội
|
|
|
Các thanh đá hình lục lăng được sắp đặt sát nhau, giống những khối đá tại Gành Đá Đĩa - di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh Phú Yên |
|
|
Rất nhiều thanh đá được xếp như hàng nghìn bó đũa thẳng đứng, mỗi thanh nặng cả chục tấn
|
|
Nước chảy qua triệu năm mòn đá, chỗ sâu nhất khoảng 5 mét
|
|
Người dân làng Vân gọi suối là Jrai Phă hoặc Ia Ruai, gắn với nhiều câu chuyện khác nhau. Cộng đồng người dân tộc Jrai vùng này rất tự hào về con suối, bãi đá cổ và mong muốn địa điểm này được bảo vệ
|
|
Suối đá rộng khoảng 2 ha nhìn từ trên cao như một tổ ong khổng lồ. Sở VH-TT&DL Gia Lai cho biết, đây là một địa điểm có tiềm năng du lịch, có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích của tỉnh Gia Lai, cần được bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng. Theo đó, Sở sẽ tiếp tục khảo sát để xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch, bổ sung danh mục kiểm kê và dự kiến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đối với địa điểm này trong thời gian tới.
|
Tin, ảnh: (TTXVN, Tiền Phong)