Ngày
nay, khi đi du lịch, bên cạnh nhu cầu tham quan danh lam thắng cảnh tại
điểm đến, du khách còn mong muốn được khám phá văn hóa bản địa, trải
nghiệm các hoạt động trong đời sống thường nhật của người dân địa
phương. Ðiều này sẽ không thể thực hiện nếu thiếu sự tham gia của cộng
đồng vào hoạt động du lịch.
Ðây được xác định là "chìa khóa" để
tìm sự đồng thuận giữa cộng đồng và các bên liên quan trong việc đưa ra
những quyết định về phát triển du lịch, từ đó tạo động lực để điểm đến
du lịch phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia
của cộng đồng vào phát triển du lịch còn là giải pháp giúp tạo thêm sinh
kế, cải thiện đời sống người dân, nâng cao ý thức của họ trong gìn giữ
môi trường sống, tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa, đồng thời làm
phong phú thêm những sản phẩm cho ngành du lịch Việt Nam theo hướng tích
cực.
Ý thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch dựa vào
cộng đồng, thời gian qua, một số địa phương, điểm đến ở nước ta đã áp
dụng nhiều giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích cộng đồng cùng tham
gia làm du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh Sơn La Trần Xuân Việt cho biết: Từ năm 2014, sau khi Thủ tướng
Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hội
đồng nhân dân tỉnh Sơn La lần đầu ban hành nhiều nghị quyết đặc thù với
các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; tiếp đó là hàng loạt
chủ trương, chính sách tạo đà cho du lịch cộng đồng phát triển đột phá,
góp phần khuyến khích, động viên cộng đồng các dân tộc bảo tồn, phát
huy các giá trị văn hóa cũng như đầu tư phát triển du lịch địa phương.
Nhân dân hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ đã chủ động triển khai đề án phát
triển bản du lịch cộng đồng bằng cách cải tạo khuôn viên nhà ở, sắp xếp,
trang trí phòng nghỉ mang nét văn hóa truyền thống các dân tộc; mua sắm
hiện vật trưng bày tại nhà văn hóa; xây dựng quy chế bản du lịch cộng
đồng; phát triển dịch vụ ẩm thực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của
đồng bào Thái, Mường, H’mông, Dao phục vụ du khách; sản xuất các sản
phẩm nông nghiệp truyền thống trên cơ sở ứng dụng công nghệ sản xuất
sạch để phục vụ phát triển du lịch bền vững...
Ủy ban nhân dân huyện Mộc
Châu và Vân Hồ cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ
năng nghề phục vụ du lịch, hướng dẫn cộng đồng các nghiệp vụ về quảng
bá, tiếp thị sản phẩm du lịch… Nhờ đó, Mộc Châu đã nổi lên như điểm sáng
về du lịch cộng đồng.
Với trường hợp của Sa Pa (Lào Cai), để đẩy
mạnh phát triển du lịch cộng đồng, thị xã đã ưu tiên nguồn ngân sách
cho thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc
thiểu số trên địa bàn.
Thạc sĩ
Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa cho biết:
Ðối với các thôn, bản có tiềm năng phát triển thành các điểm du lịch
cộng đồng, Sa Pa bố trí nguồn lực hỗ trợ để đồng bào các dân tộc thiểu
số có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng du lịch và dịch vụ, tạo việc làm và
thu nhập bền vững từ du lịch như: Kinh doanh homestay, phát triển nghề
truyền thống, đầu tư cho các đội văn nghệ, tổ chức các lễ hội truyền
thống tạo sự kiện thu hút khách du lịch, đầu tư hệ thống xử lý chất thải
và rác thải, tái tạo cảnh quan, đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch tại
cộng đồng...
Thị xã cũng xây dựng phương án quản lý vệ sinh chung tại
các khu, điểm du lịch và các điểm ngắm cảnh tại Khu du lịch quốc gia Sa
Pa; xây dựng các điểm bán hàng cho cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng
đeo bám khách du lịch, tạo môi trường du lịch lành mạnh; quán triệt việc
thực hiện Quy chế ứng xử đối với khách du lịch tại Sa Pa... "Các mô
hình du lịch cộng đồng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và
người dân, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Ðồng thời, Sa
Pa cần có quy định cụ thể về tiêu chí điểm nghỉ homestay để tránh những
loại hình dịch vụ không đúng với thuần phong và bản sắc văn hóa các dân
tộc; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương phục vụ
hoạt động phát triển du lịch và hỗ trợ vốn để người dân các dân tộc
thiểu số của Sa Pa đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch"- Thạc
sĩ Hoàng Thị Vượng chia sẻ kinh nghiệm.
Dù du lịch dựa vào cộng
đồng đã được đẩy mạnh ở một số điểm đến nhưng xét trên bình diện chung
vẫn còn tồn tại những hạn chế. Tiến sĩ Vũ An Dân, Khoa Du lịch, Trường
đại học Mở Hà Nội nhận định, nếu ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, sự
thiếu chuyên môn do trình độ học vấn và thiếu khả năng tiếp cận tài
chính, tiếp cận thông tin là vấn đề khó khăn cần được lưu tâm nhiều
nhất, thì ở các khu vực đô thị, việc thiếu vắng hệ thống pháp luật phù
hợp và cách tiếp cận quản lý phù hợp lại là vấn đề cần được quan tâm…
Theo
các chuyên gia, người dân kinh doanh du lịch ở nhiều nơi còn theo hướng
tự phát, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức, vận hành, đặc biệt là hạn
chế về khả năng ngoại ngữ. Vì thế, để du lịch dựa vào cộng đồng thành
công, cần phải có các chính sách đầu tư cho con người, có những giải
pháp mang tính chiến lược để đào tạo chuyên môn du lịch, nâng cao kỹ
năng và khả năng của cộng đồng trong ứng dụng khoa học, linh hoạt các
kiến thức được học vào đón tiếp và phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, chuyên
gia về du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu cho rằng, cần có chính sách xã
hội hóa để động viên cộng đồng, như: Phối hợp nghiên cứu, khảo sát và
đầu tư tài chính, nguồn lực cho việc khôi phục, bảo tồn tài nguyên du
lịch thuộc sở hữu cộng đồng; có chính sách phối hợp khai thác và cùng
hưởng lợi ích; chính sách quảng bá, giới thiệu giá trị tài nguyên…
Kinh
nghiệm phát triển du lịch ở nhiều nước đều cho thấy, sự tham gia tích
cực của người dân địa phương vào phát triển du lịch là cần thiết, bởi
cộng đồng địa phương là nhân tố quyết định môi trường văn hóa, lối sống,
bản sắc của điểm đến - những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch.
Do đó, để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, việc phải bảo tồn, phát
huy được những giá trị bản địa là vấn đề có tính quyết định. Ðiều này
chỉ có thể thực hiện trên cơ sở người dân thật sự hiểu được giá trị của
tài nguyên tự nhiên và nhân văn mình đang nắm giữ, được hưởng lợi từ
khai thác du lịch gắn với các giá trị này và có ý thức gìn giữ, bảo vệ
tài nguyên. Khi đó, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng mới thật
sự bền vững.