Bình Dương là mảnh đất có số lượng làng nghề truyền thống tập trung đông, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đặc sắc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.
Đặc biệt ngoài việc mang lại thu nhập kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho người dân lao động, các làng nghề truyền thống nơi đây đang trở thành những địa chỉ quen thuộc của đông đảo du khách trong cũng như ngoài nước.
Trao đổi với chúng tôi, Gíam đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương Đỗ Khắc Điệp cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng xây dựng, chỉnh trang và phát triển làng nghề đáp ứng nhu cầu khép kín của du khách….”. Mỹ Châu thực hiện.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về tiềm năng phát triển loại hình du lịch làng nghề của Bình Dương? Những năm qua thế mạnh này đã được tỉnh phát huy hiệu quả ra sao?
Bình Dương là một tỉnh miền Đông Nam Bộ có nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ khá lâu đời, nổi bật nhất là các ngành nghề như gốm sứ, sơn mài, gỗ điêu khắc. Sản phẩm làm ra từ khá lâu để trở thành hàng hoá được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Dương có nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, đa dạng; đặc biệt có một số sản phẩm đạt chất lượng cao mang đậm tính văn hoá truyền thống Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Các làng nghề ở Bình Dương đã gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Họ làm nghề để giữ nghề, mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày và cũng có thể để làm giàu, gắn liền với việc quảng bá cho sản phẩm, văn hóa con người Bình Dương cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đến với thế giới.
Trong những năm qua, làng nghề là một trong những điểm đáng quan tâm của du lịch tỉnh Bình Dương; do đó Bình Dương đã và đang hướng tới phát triển du lịch làng nghề truyền thống thông qua Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010 lần thứ nhất đã được diễn ra từ ngày 2 - 8/9/2010. Nếu nói đến phát triển làng nghề, hiện nay cả nước có hơn 2.000 làng nghề có bề dày lịch sử và gắn liền với văn hoá của những vùng, miền với hệ thống di tích và truyền thống riêng; trong đó có đến hơn 1.000 ngành, nghề truyền thống đã và đang được các thế hệ nghệ nhân tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị. Các làng nghề tại Bình Dương cũng nằm trong số ấy, do đó việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống ở Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, gỗ điêu khắc để gắn với phát triển du lịch trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, nhất là ngành du lịch đã có những nổ lực cũng như định hướng nào nhằm gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống lâu đời?
Từ chặng đường hình thành và phát triển làng nghề truyền thống ở Bình Dương, chúng tôi cũng đã có nhận thức được tầm quan trọng của việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Bản thân các làng nghề cũng đã có ý thức trong việc khai thác sự hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm do mình làm ra nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Theo số liệu thống kê của Sở NN & PTNT, tính đến cuối quý II/2011 toàn tỉnh có 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống như sản xuất gốm sứ, sơn mài, gỗ điêu khắc… Mặc dù có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng có thể bị mai một nhưng nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, phát triển và thu hút được nhiều du khách đến tham quan, mua sắm như: Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng gốm Lái Thiêu,…Việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công truyền thống từ các làng nghề sản xuất ra đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề là một trong những nhân tố tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn có các làng nghề, từ đó góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Bình Dương trong thời gian qua.
Bên cạnh các hình thức du lịch như: văn hóa, lễ hội, tham quan các di tích lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch sông nước…thì du lịch làng nghề cũng đã và đang được nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế quan tâm. Theo đó việc kết hợp phát triển du lịch làng nghề đã làm phong phú cho các sản phẩm du lịch, nhiều làng nghề đã thực sự hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách quốc tế, qua đó sẽ giúp các làng nghề truyền thống lâu đời được khôi phục, bảo tồn và phát triển.
Định hướng phát triển bền vững và hiệu quả loại hình du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Trước hết phải xác định rằng, tham quan du lịch làng nghề hiện nay ở Bình Dương phát triển theo kiểu tự phát, thường là do các công ty lữ hành đứng ra xây dựng điểm đến để phục vụ khách du lịch đếm tham quan, mua sắm, thiếu đồng bộ, chưa có quy hoạch và phục vụ chưa mang tính chuyên nghiệp ở các điểm phục vụ du khách…. Nhiều mặt hàng truyền thống độc đáo sản xuất thủ công tại các làng nghề chưa được chú ý để đầu tư thích đáng, chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các làng nghề thiếu một đội ngũ sáng tác, thiết kế các mẫu mã chuyên nghiệp cũng như thiếu đội ngũ thuyết minh viên để giới thiệu về sự hình thành và phát triển làng nghề ở Bình Dương nói chung cũng như từng sản phẩm nói riêng.
Kế đến là công tác tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch làng nghề vẫn chưa được quan tâm, có nhiều tài nguyên du lịch vẫn còn lãng phí, chưa được quan tâm khai thác. Bên cạnh đó vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được hỗ trợ đúng mức nên hầu hết cơ sở hạ tầng của các làng nghề còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh du lịch. Cùng với đó, do thời gian khách đi thăm các làng nghề rất ngắn, thường chỉ đi và về trong ngày, do đó các công ty lữ hành, đại lý lữ hành trong và ngoài tỉnh cũng như các làng nghề cần biết khai thác để kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của du khách. Nếu làm được như vậy, chắc chắn du lịch làng nghề có khả năng phát triển mạnh trong tương lai.
Gắn phát triển làng nghề với du lịch được coi là một trong những lợi thế lớn của Bình Dương. Theo đó sản phẩm của làng nghề sẽ được tiếp cận với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần phát triển ổn định làng nghề.
Du lịch làng nghề ở Bình Dương có tiềm năng phát triển lớn và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do đó việc đầu tư, khai thác và phát triển các sản phẩn du lịch đặc thù của Bình Dương cần phải được triển khai trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh Bình Dương đã giao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung xây dựng Đề án “Phát triển các sản phẩm đặc thù của Bình Dương” đến năm 2015, trong đó có phát triển du lịch làng nghề. Ngoài các làng nghề truyền thống mà điển hình là các làng nghề gốm sứ ở Lái Thiêu- Thuận An, gốm Tân Phước Khánh- Tân Uyên và hàng sơn mài, điêu khắc gỗ ở thị xã Thủ Dầu Một. Tỉnh Bình Dương còn tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và tham quan các di tích văn hoá, lịch sử trên địa bàn tỉnh,...
Nguồn : Vccinews