Chủ quán trang trí khoảng 5.000 món đồ để tái hiện không gian Sài Gòn xưa, lập kỷ lục về số lượng hiện vật trưng bày.
Quán cà phê theo phong cách Sài Gòn xưa của anh Huỳnh Minh Hiệp hoạt động hơn ba năm nay, có diện tích hơn 1.000 m2 nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận). Không gian nhuốm màu sắc hoài cổ khi phần lớn đồ vật đều từng một thời quen thuộc với người Sài Gòn. Đó là những bộ bàn ghế gỗ, sàn nhà gạch bông, biển quảng cáo, đồ gia dụng, tranh ảnh... do chủ nhân sưu tập hơn 30 năm qua.
Năm 2020, quán nhận được kỷ lục "Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước 1975) với số lượng nhiều nhất" của Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld) xác nhận.
Phần lớn đồ cổ trong quán có từ đầu thế kỷ 20 đến những những năm 1970, chủ yếu là vật dụng gắn bó với đời sống người dân Sài Gòn xưa. Các bộ bàn ghế, cánh cửa, cửa sổ, kệ gỗ... bên trong đều có tuổi đời trên nửa thế kỷ.
Quán đặt những chiếc bàn được thiết kế từ bộ khung của máy may của hãng Singer, nổi tiếng khắp miền Nam một thời. Nổi bật là chiếc máy may từ thập niện 1920, còn hoạt động tốt.
Những chiếc máy hát loa kèn cổ điển, quạt máy, dàn máy nghe nhạc Akai phổ biến những năm 1960 vẫn còn sử dụng được. Các vật dụng khác như tivi, cassette, điện thoại bàn, máy ảnh cổ... của nhiều hãng được trưng bày trong quán.
Chiếc chạn gỗ để chén đĩa, đồ ăn... thường đặt trong góc bếp của người Sài Gòn được đặt ở ngay lối vào quán. Bên trong chạn xếp chén đĩa làm bằng gốm Lái Thiêu, Biên Hoà có từ thập niên 1960.
Một góc nhỏ trong tủ kính trưng bày nhiều vật dụng hầu như đều có trong gia đình người Sài Gòn như dầu cù là, xà bông, chỉ may, cờ domino, lon sữa Guigoz... Nổi bật là chiếc hộp đựng xà bông Cô Ba - thương hiệu nổi tiếng với người Việt những năm đầu thế kỷ 20.
Quầy pha chế trang trí những chai nước ngọt, bia... trước năm 1975; nhiều chai vẫn còn nguyên. Theo chủ quán những đồ uống này đơn giản nhưng rất khó sưu tập.
Trên tường treo nhiều tranh ảnh, poster phim, ca nhạc, lịch, biển hiệu... từ đầu thế kỷ 20... giúp tái hiện lại đời sống tinh thần phong phú của người Sài Gòn xưa. Nổi bật có tấm poster nguyên bản giới thiệu về bộ phim "Con ma nhà họ Hứa", một trong những bộ phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1973.
Rải rác trong quán có vài chiếc môtô phổ biến trên đường phố Sài thành cách đây cả nửa thế kỷ. Độc đáo nhất là chiếc xe gắn máy Motobecane Pony 1936, vẫn còn giấy đăng ký với tên chủ sở hữu là Ngô Đình Thục. Theo chủ quán, xe này là món quà của vị khâm sứ người Pháp tặng cho linh mục Ngô Đình Thục, anh trai tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ngoài đồ uống, quán còn còn phục vụ những món ăn rất quen thuộc với người Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ như mía ghim, si rô đá bào, chùm ruột ngâm, bánh con sâu, bánh phục linh...
Không gian bên ngoài quán thoáng đãng, hoài cổ. Quán hoạt động từ 7 đến 22h, có bãi giữ xe rộng rãi, mỗi ngày đón khoảng 200 khách.
Quỳnh Trần