HÀ NỘIẨn mình trong khu phố sầm uất của thủ đô, quán cà phê còn lưu giữ những bức hoành phi và lục bình sứ nhuốm màu thời gian.
Cà phê Phố cổ nằm trên con phố Hàng Gai sầm uất bậc nhất thủ đô, nhưng hiếm ai đi qua đây nhận ra. Ẩn mình sau những cửa hiệu thời trang, du khách bước vào con ngõ sâu khoảng 200 m sẽ thấy quán bên khoảng sân yên bình.
Đây vừa là nơi sinh sống, vừa là nơi kinh doanh của gia đình ông Nguyễn Tuấn, 68 tuổi. Ông là con út trong gia đình 7 người con. Ngôi nhà là tài sản tổ tiên để lại, xây dựng vào năm 1918, đến nay là 102 năm, được ông giữ gìn và mở thêm quán cà phê từ đầu năm 2000.
Quán cà phê có diện tích gần 150 m2, mang lối kiến trúc nhà cổ Việt Nam. Thiết kế chia làm 3 gian gồm: gian chính, giữa và gian sau. Gian chính bố trí phòng khách và hiên nhà. Gian giữa thường là khoảng giếng trời để đón ánh nắng. Gian sau là bếp, khu vực dùng bữa hàng ngày.
Sau nhiều đợt trùng tu, cải tạo, một nửa khoảng sân được xây thêm căn gác nhỏ nối bởi cầu thang gỗ. Đây là nơi du khách nhâm nhi tách cà phê, trò chuyện, trong không gian yên tĩnh, tách biệt với sự xô bồ ngoài ngõ.
Hiên nhà đượm nắng trong quán cà phê. Bộ bàn ghế làm từ gỗ trắc, chạm thủ hoa văn cầu kỳ trường tồn theo năm tháng.
Ngôi nhà lưu giữ tranh, tượng, bình cổ... Hầu hết đều là tài sản được cha ông để lại, bên cạnh đó là các vật sưu tầm trong các lần du lịch dọc Bắc - Nam của gia đình.
Những chiếc lục bình sứ là thứ ông Tuấn gìn giữ nhất. Đây đều là những lục bình chạm khắc điển tích Trung Quốc như "Đạm tuyết tầm mai", "Ngư ông đắc lợi"... Giá trị nhỏ nhất mỗi bình khoảng 20 triệu đồng.
Khoảng sân rộng trong ký ức của chủ quán từng là nơi gia đình trưng bày cây cảnh, bon sai và chơi chim cảnh. "Các cụ nhà tôi ngày trước chơi cây cảnh đẹp lắm, bon sai phải là cây la hán, cây du mới phong cách. Khoảng sân này ngày trước xây 4 bệ, bày cây cảnh đầy 2 bên", ông chia sẻ.
4 tầng nhà được nối bằng những cầu thang xoắn, dốc mang đặc trưng của nhà ống xưa.
Tầng 4 có tầm nhìn thẳng ra Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm. Đây cũng là điểm đặc biệt thu hút nhiều du khách nước ngoài tìm đến quán.
Du khách tới đây ấn tượng với nét hoài cổ, không gian tĩnh lặng của quán. Vợ chồng ông Nguyễn Quang Thành, sống tại Hàng Bạc thường ghé quán trò chuyện cùng bạn bè. "Kiến trúc cổ, phân thành từng lớp, thoáng mà không ồn ào như phía ngoài. Ngồi đây mình thấy như ở nhà vậy". Ông còn chia sẻ rằng rất yêu thích món cà phê trứng của quán bởi vị đậm, ngậy, không tanh.
Thực đơn đồ uống đa dạng với cà phê, sinh tố, nước ép, giá khoảng 40.000 đến 60.000 đồng. Món được nhiều khách ưa thích nhất là cà phê trứng, đặt trong ly lớn so với thông thường, giá mỗi cốc là 45.000 đồng. Quán mở cửa từ 8h đến 23h.
Ngọc Diệp
Ảnh: Ngọc Diệp, Cà phê phố cổ