Ngày 30/9/2009, quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản phi vật thể đại diện của Nhân loại.
Không quá ồn ào và khoe mẽ, quan họ đi vào lòng người bởi những câu ca đằm thắm thiết tha về tình yêu và cuộc sống. Từ lễ hội có từ lâu đời đến những câu hát giản dị, quan họ được giữ gìn và chiếm được cảm tình trong lòng người.
Là kết tinh văn hóa vùng Kinh Bắc, quan họ là nét đẹp độc đáo trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, không những thể hiện mối quan hệ ứng xử trong một cộng đồng làng xóm, mà còn là phương thức “tương giao” giữa các làng xã với nhau. Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam, với nhiều làn điệụ. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ được ghi âm bằng ký hiệu âm nhạc trên giấy. Trong đó có các làn điệu quan họ cổ: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn , Cái ả, Gió mát trăng thanh…
Hát quan họ trên thuyền trong hội Lim
Một trong những hình thức biểu diễn hát quan họ mới là kiểu hát đối đáp giữa liền anh và liền chị. Kịch bản có thể diễn ra theo nội dung các câu hát đã được chuẩn bị từ trước hoặc tùy theo khả năng ứng biến của hai bên hát. Quan họ ngày nay không chỉ là lối hát giao duyên giữa liền anh và liền chị mà còn là hình thức trao đổi tình cảm giữa liền anh, liền chị với khán giả. Ngay cả trong cách ăn mặc, cư xử trong khi hát quan họ cũng có những quy định và chuẩn mực nhất định.
Các liền anh mặc áo dài năm thân, cổ đứng, có lá sen. Quần dài trắng, ống rộng. Liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp, dùng ô đen. Còn trang phục của các liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy". Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba. Liền chị mặc váy váy sồi, váy lụa, mang dép cong. Ngoài áo, quần, thắt lưng, dép, người liền chị còn chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích.
Têm trầu cánh phượng tại hội Lim
Đặc biệt văn hoá quan họ gắn chặt cả phần lễ và phần hội với những đặc điểm độc đáo. Tục lệ của các làng quan họ trên qui định chặt chẽ: Quan họ phần lễ là để thờ Thần, thờ Phật; Quan họ phần hội là để các liền anh liền chị quan họ nam, nữ của các làng đến tham dự hội hát đối đáp giao duyên, vui chơi. Quan họ thờ Thần: Không chỉ những làng quan họ gốc mà hầu hết đều có tục lệ hát quan họ thờ Thần (hoặc thờ Phật) phần lễ và hát quan họ giao lưu phần hội.
Theo tục lệ của các làng quan họ gốc, hát thờ Thần được qui định chặt chẽ như: Chỉ có quan họ nam hoặc nữ của làng được hát. Trong hát thờ chỉ được hát những những giọng lề lối (giọng cổ) như: Hừ la, La rằng, Tình tang, Cây gạo... có nội dung ca ngợi công đức của Thần. Tuyệt đối không được hát giọng vặt có nội dung nam nữ yêu đương. Quan họ phần hội: là để các bạn quan họ nam và nữ của các làng hát đối đáp giao duyên nhằm tạo không khí vui vẻ, giải trí với nhau.
Hội của các làng quan họ hấp dẫn và quyến rũ nhất chính là phần quan họ hát đối đáp giao duyên với nhau. Bởi các liền anh, liền chị bằng những làn điệu, những lời ca ngọt ngào đầy tình cảm thể hiện những tâm trạng yêu đương, nhớ nhung, đằm thắm, da diết, quyến luyến của những lứa đôi.
Một số lễ hội quan họ truyền thống mang đúng bản sắc văn hóa của lễ hội xưa như hội Lim, hội làng Diễm ... vẫn ngày càng được giữ gìn và phát triển, khôi phục lại nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh dân giã, khôi phục lại những nét sinh hoạt văn hóa của các làng quan họ gốc, các nghi thức, lề lối chơi. Hiện nay, quan họ là hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng xứ Kinh Bắc (hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) lưu giữ, trao truyền từ nhiều thế hệ và trở thành bản sắc của địa phương trở thành không gian văn hóa đặc thù. Quan họ đã trở thành di sản phi vật thể đại diện thứ 3 của Việt Nam.
NHN