Sự tăng trưởng tích cực của thị trường inbound là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 lên 12,5 triệu đến 13 triệu lượt, nhằm tạo động lực góp phần đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch.
Trong
niềm vui này, cách đây ít ngày, hai thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và Hội
An (Quảng Nam) chính thức được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo,
góp phần nâng cao hình ảnh nhận diện du lịch Việt Nam trên bản đồ du
lịch thế giới…
Đây là những tín hiệu
thắp lên hy vọng cho sự tăng tốc bứt phá của ngành du lịch, nhất là khi
Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế. Song điều này cũng
đặt ra thách thức cho du lịch Việt trong việc phải nâng cao chất lượng
dịch vụ, năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đều
đang chạy đua để giành thị phần khách sau đại dịch.
Sự tăng trưởng tích cực của thị trường inbound là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 lên 12,5 triệu đến 13 triệu lượt, nhằm tạo động lực góp phần đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch.
Để
làm được điều này, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của công tác
quản lý điểm đến du lịch. Quản lý tốt, không những giúp cải thiện chất
lượng điểm đến du lịch, đem tới sự hài lòng tối đa cho du khách, tạo
động lực để khách quay lại nhiều lần hơn, chi tiêu và lưu trú dài ngày
hơn, mà còn là giải pháp giúp bảo đảm sự phát triển bền vững của du
lịch.
Những năm gần đây, nhờ sự vào
cuộc quyết liệt của toàn ngành du lịch và chính quyền địa phương, công
tác quản lý điểm đến du lịch từng bước được nâng cao. Du lịch Việt cùng
nhiều điểm đến liên tiếp được vinh danh bằng những giải thưởng quốc tế
uy tín. Nhiều trung tâm hỗ trợ khách hàng, đường dây nóng, quy định ứng
xử du lịch văn minh… đã được các địa phương vận hành.
Tuy
nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý điểm đến du lịch
ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là trong vấn đề bảo đảm môi
trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện.
Thời
gian qua, báo giới từng tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng ăn
xin, bán hàng rong chèo kéo khách; lái xe xích-lô, tài xế taxi bắt chẹt
khách; "nhà hàng bắt chẹt khách" với giá "trên trời"; rác thải không
được xử lý ở những điểm di tích, di sản…
Chưa
kể, vì lợi nhuận, không ít đơn vị sẵn sàng chào bán những tour kém chất
lượng gây trải nghiệm kinh hoàng cho du khách, thậm chí kinh doanh cả
những tour du lịch "chui", sử dụng hướng dẫn viên không bằng cấp, trình
độ…, gây hậu quả đáng tiếc không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn là
tính mạng. Những biểu hiện này là "con sâu làm rầu nồi canh" khiến điểm
đến ít nhiều mất điểm trong mắt du khách.
Rõ
ràng, công tác quản lý điểm đến cần phải được chú trọng hơn để mang đến
trải nghiệm trọn vẹn cho du khách cũng như hạn chế rủi ro, tiêu cực.
Từ
lúc du khách đặt chân tới điểm đến cho đến lúc rời đi, chất lượng trải
nghiệm du lịch của họ bị chi phối bởi nhiều yếu tố, dịch vụ cung ứng bởi
các đơn vị liên quan, trong đó có cả sự tương tác với cộng đồng địa
phương và môi trường. Vì thế, quản lý điểm đến đòi hỏi sự tham gia của
nhiều thành phần, từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương tới doanh
nghiệp, cộng đồng trên cơ sở phối hợp liên ngành du lịch, y tế, vận tải,
quốc phòng, quản lý thị trường… nhằm phát triển điểm đến bền vững ở cả
ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Trải
qua thời gian dài bị tê liệt hoạt động vì ảnh hưởng dịch Covid-19, lực
lượng lao động du lịch đến nay vẫn chưa lấp được "khoảng trống", cơ sở
vật chất ở một số điểm đến bị xuống cấp, năng lực phục vụ của một số đơn
vị, doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi. Do đó, công tác quản lý điểm đến
càng cần đẩy mạnh.
Mới đây, để tích
cực triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du
lịch hiệu quả, bền vững theo hướng "Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên
nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh
sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đã ban hành Văn bản số 4584/BVHTTDL-DLQGVN ngày 26/10/2023
gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản
lý điểm đến. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, ban
quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch cần chủ động
kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, bảo đảm an ninh,
an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; có biện pháp bảo vệ môi
trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định; thực
hiện nghiêm quy định về niêm yết giá công khai.
Để
làm tốt những vấn đề nêu trên, công tác thanh, kiểm tra, giám sát cần
được tăng cường, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân
không bảo đảm điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du
lịch. Các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, chỉ dẫn, phân luồng giao
thông, phòng chống tai nạn, ùn tắc; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và
kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch nhất là
vận chuyển khách bằng ô-tô, phương tiện thủy nội địa...; Cần có phương
án bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt
trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.
Công
tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại điểm đến cần tăng cường;
bảo đảm các trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hoạt động hiệu
quả, kịp thời cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại của du khách;
đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, vận hành các hệ thống du lịch thông minh
nhằm quản lý điểm đến hiệu quả, an toàn, văn minh, thân thiện.
Các giải pháp này nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt chắc chắn sẽ
nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm đến Việt Nam cũng như uy tín
thương hiệu du lịch quốc gia…