Ngoại giao văn hóa đã góp phần quan trọng mở đường cho quan hệ hợp tác hữu nghị của tỉnh Quảng Ninh với các địa phương trong nước và đối tác nước ngoài. Đây cũng chính là nền tảng đẩy mạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, quảng bá mạnh mẽ văn hóa, hình ảnh, con người của tỉnh ra quốc tế, giúp khẳng định và giữ vững thương hiệu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua.
Rực rỡ sắc màu văn hóa tại lễ hội Hokkaido Hạ Long năm 2023.
Thời
gian qua, Quảng Ninh tích cực quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa các
dân tộc của địa phương đến với bạn bè quốc tế thông qua việc tổ chức
nhiều lễ hội truyền thống cùng các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật
tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh và quốc tế, thực hiện bảo tồn, phát huy các
giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; thúc đẩy phát triển ngành công
nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chủ động kết nối du lịch
Qua
đánh giá, tổng lượng khách du lịch Nhật Bản lưu trú tại Quảng Ninh
trung bình hằng năm ước đạt 2% tổng lượng khách quốc tế lưu trú tại
tỉnh. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã đón gần 8.000 lượt du khách
Nhật Bản. Hiểu rõ đây là nguồn khách quan trọng với khả năng chi tiêu
cao, ngành du lịch tỉnh luôn coi trọng việc phát triển hợp tác với du
lịch Nhật Bản, trong đó tập trung vào các hoạt động quảng bá và giới
thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh trong những cuộc tiếp xúc, làm việc với
đối tác nước bạn.
Đến nay, Quảng Ninh đã hợp tác phát triển du
lịch với một số địa phương của Nhật Bản trong đó có tỉnh Tottori. Hai
địa phương đều là thành viên của Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á.
Theo đó, hai tỉnh đã triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ
Diễn đàn như: Chia sẻ thông tin về phát triển du lịch; trao đổi các đoàn
công tác và doanh nghiệp làm việc, khảo sát thị trường; tạo điều kiện
cho các đơn vị lữ hành hai bên gặp gỡ, tìm hiểu hợp tác, đồng thời chủ
động tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch Nhật Bản tại các địa
phương: Kanagawa, Hokkaido và Tokyo.
Năm 2022, trong khuôn khổ
chương trình Lễ hội Việt Nam tại Sapporo thuộc tỉnh Hokkaido của Nhật
Bản, Quảng Ninh có một gian hàng trưng bày các hình ảnh giới thiệu điểm
du lịch, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người cùng các sản phẩm
OCOP đặc trưng và môi trường đầu tư tại Quảng Ninh. Cùng với đó, đoàn
công tác tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng
và doanh nghiệp lữ hành của tỉnh Hokkaido về việc xúc tiến thiết lập
đường bay nối sân bay Shin Chitose (Hokkaido) và sân bay Vân Đồn (Quảng
Ninh) nhằm kết nối hai tỉnh chặt chẽ hơn trong các hoạt động giao
thương, phát triển kinh tế, du lịch.
Ông Tsuchiya Shunsuke, Phó
Thống đốc tỉnh Hokkaido cho rằng: Quảng Ninh và Hokkaido có nhiều nét
tương đồng về du lịch, thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ, bài bản sẽ rất thuận
lợi cho các nhà đầu tư đến Quảng Ninh kinh doanh. Tỉnh Hokkaido mong
muốn được hợp tác chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh về các lĩnh vực như du
lịch, giáo dục, văn hóa, thương mại và khẳng định chính quyền địa phương
nước bạn sẽ tạo mọi điều kiện để các chương trình quảng bá xúc tiến du
lịch, giao lưu văn hóa, liên kết đào tạo giữa các trường đại học của
Quảng Ninh và Nhật Bản được diễn ra thuận lợi nhất.
Quảng Ninh đã
đề nghị Bộ Ngoại giao tạo điều kiện giúp đỡ, giới thiệu kết nối để tỉnh
mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản. Cụ
thể, tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ninh tham gia các hoạt động, sự kiện
xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch do các cơ quan Trung ương chủ trì
hoặc phối hợp tổ chức tại Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, hỗ trợ
quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch, thu hút khách Nhật Bản đến Việt
Nam, trong đó có điểm đến là Di sản-Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ
Long, đồng thời kết nối, giới thiệu và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật
Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tỉnh Quảng
Ninh; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để sớm mở đường bay thẳng
giữa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với các cảng hàng không tại Nhật
Bản.
Quảng Ninh đã chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động để
khuyến khích doanh nhân hai bên tăng cường trao đổi về cơ hội hợp tác
kinh doanh; khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn đầu
tư vào lĩnh vực du lịch tại Quảng Ninh như: Cơ sở lưu trú du lịch, khu
vui chơi giải trí đẳng cấp, chất lượng cao… để đáp ứng trọn vẹn nhu cầu,
thị hiếu của khách du lịch Nhật Bản. Cơ hội trao đổi này có thể thông
qua các sự kiện, hội chợ du lịch, các đoàn khảo sát hoặc qua giới thiệu
của các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch… giữa Quảng Ninh và
Nhật Bản. Lãnh đạo tỉnh đã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các
nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, đầu tư, phát
triển sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển đảo,
du lịch đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch sinh thái, du lịch golf,
du lịch chăm sóc sức khỏe được coi là những tiềm năng thế mạnh của tỉnh
Quảng Ninh.
Với tỉnh Hokkaido, Quảng Ninh tạo mọi điều kiện và có
những chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp Quảng Ninh hợp tác với
các doanh nghiệp tỉnh Hokkaido tổ chức chương trình du lịch đến Hokkaido
như: Chính sách ưu tiên bay thuê bao chuyến kết nối giữa sân bay
Chitose (Hokkaido) và sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Về phía tỉnh
Quảng Ninh cam kết sẽ phối hợp trình cấp có thẩm quyền, tạo mọi điều
kiện thuận lợi để thiết lập, triển khai các chuyến bay kết nối giữa hai
tỉnh. Về lâu dài, hai tỉnh sẽ tích cực phối hợp để thúc đẩy việc mở
tuyến bay cố định kết nối hai địa phương.
Phó
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh cho biết: Quảng
Ninh và Hokkaido có rất nhiều tiềm năng để khai thác và thúc đẩy phát
triển du lịch giữa hai địa phương. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng
cường phối hợp xúc tiến du lịch, tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh
điểm đến của hai tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các
nền tảng số, cũng như tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mà hai
bên tham dự trong nước và quốc tế. Hai bên triển khai các chương trình
phối hợp hỗ trợ đào tạo về nhân lực có chất lượng cao cho ngành du lịch
Quảng Ninh, xem xét khả năng cấp học bổng đào tạo đại học và sau đại học
chuyên ngành du lịch tại Hokkaido cho Quảng Ninh, cũng như hỗ trợ liên
kết đào tạo giữa các trường, các cơ sở đào tạo du lịch hai địa phương.
Xây dựng đối tác tin cậy
Đến
thời điểm này, mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh
Hokkaido đang ngày càng bền chặt, thắm thiết hơn khi có nhiều sự kiện
trao đổi, hợp tác ở các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực xúc tiến, đầu
tư, hai địa phương đã chia sẻ tiềm năng của tỉnh Hokkaido, những lợi
thế cạnh tranh nổi trội của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút đầu tư, kết
nối thúc đẩy xúc tiến thương mại và du lịch; chia sẻ về môi trường đầu
tư tại Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh dưới góc nhìn của doanh nghiệp Nhật
Bản.
Đồng thời, có nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện tiêu chí, chính
sách thu hút đầu tư để Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trở
thành đối tác tin cậy của Nhật Bản cũng như tỉnh Hokkaido. Tỉnh Quảng
Ninh cam kết mạnh mẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ
tục hành chính, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn; cung cấp các dịch vụ
công tiện ích, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch
tốt nhất cho người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh
doanh và sinh sống tại tỉnh.
Theo ông Koganezawa Kenji, Chủ tịch
Tổ chức Xúc tiến Du lịch Hokkaido, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hokkaido có
rất nhiều điều kiện du lịch tương đồng và cơ hội phát triển. Ông
Koganezawa cho biết: “Do mùa đông ở Hokkaido rất lạnh, chúng tôi mong
muốn có thể đưa nhiều người dân Hokkaido đến Quảng Ninh để tránh rét,
thưởng thức không khí ấm áp và ngược lại, đưa người dân Quảng Ninh đến
Hokkaido để trải nghiệm tuyết rơi và các bộ môn thể thao mùa đông. Tôi
nghĩ, việc kết nối giữa hai địa phương hoàn toàn khả thi và mở ra nhiều
kế hoạch hợp tác thú vị trong tương lai”.
Trong bối cảnh hiện
nay, triển khai những hoạt động liên kết nêu trên được đánh giá là một
trong những định hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch. Việc
tạo dựng được mối liên kết hiệu quả, bền vững sẽ giúp du lịch các địa
phương không những “đi xa” mà còn “đi nhanh” và “đi cùng nhau”. Nhận
thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam
Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: Việc liên kết là yêu cầu khách quan trong
phát triển du lịch, giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các
địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi
thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm
đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội
liên địa phương, liên vùng.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực
thúc đẩy việc gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính
trị, thông qua việc tiếp tục duy trì hoạt động ngoại giao văn hóa với
các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống cũng như phát
triển, mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố, địa phương trên thế
giới; triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa gắn kết với các hoạt động
ngoại giao kinh tế thông qua chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch,
thương mại quốc tế. Từ đó, đưa công tác ngoại giao văn hóa trở thành một
trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh; tạo đồng thuận
trong nhận thức và hành động từ chính quyền đến tổ chức, doanh nghiệp,
người dân.
Hạ tầng du lịch của Quảng Ninh ngày càng phát triển,
từng bước đáp ứng nhu cầu tiếp cận dễ dàng của khách du lịch quốc tế.
Những năm gần đây, không gian phát triển du lịch của Quảng Ninh được mở
rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh
quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Việc tăng cường liên
kết, đồng thời tạo ra chuỗi trải nghiệm đa dạng, kết hợp nghỉ dưỡng với
khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, kết nối nhiều điểm đến trong một
hành trình đã và đang ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế đến trải
nghiệm tại Quảng Ninh, trong đó có khách Nhật Bản.
Bài và ảnh: LƯƠNG QUANG THỌ