Tại Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị năm 2024 được tổ chức tại TP Đông Hà vừa qua, không gian trưng bày thổ cẩm, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan. Đây là các gian hàng của những cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của hai dân tộc này trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều
Thổ cẩm và trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô nổi bật với sự đa dạng và độc đáo về phong cách. Các bộ trang phục thường đặc sắc bởi nhiều họa tiết cầu kỳ, thể hiện trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo của người dân. Không chỉ là đồ vật được mặc trên cơ thể, trang phục truyền thống còn phản ánh một cách sinh động bản sắc văn hóa của các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung và tại tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Thời gian qua, vùng đất phía Tây tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Nhiều mô hình du lịch đặc sắc được du khách trong và ngoài nước biết đến. Cùng với việc phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, các địa phương cũng đang khai thác khá hiệu quả tiềm năng về con người với nét đặc trưng là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa Cô. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống là một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm của du khách.
Không gian trưng bày thổ cẩm, trang phục truyền thống của chị Hồ Thị Họa My (bên phải)
Có sản phẩm tham gia không gian trưng bày, chị Hồ Thị Họa My (Chủ cơ sở Họa My đặc sản núi rừng) chia sẻ, du khách hiện nay khi đặt chân đến các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị thường đặt câu hỏi và có nhu cầu tìm mua các sản phẩm liên quan đến thổ cẩm, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế thì các sản phẩm này vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa thực sự tiếp cận được với nhiều du khách. Để biến đây trở thành một sản phẩm du lịch, rất cần có những không gian trưng bày, giới thiệu tại các điểm du lịch. Việc làm này ngoài quảng bá nét đẹp văn hóa của các dân tộc còn góp phần tạo ra thu nhập cho người dân.
"Ngoài trang phục truyền thống, nếu chúng ta biết cách tân, sáng tạo thêm, biến các tấm thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trở thành các sản phẩm như khăn tay, khăn quàng cổ, túi xách,… thì đó sẽ là những món quà lưu niệm hết sức độc đáo mà du khách có thể mang về. Đây hứa hẹn sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút khách thời gian tới", chị Họa My đóng góp ý kiến.
Có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân Hồ Văn Hồi (bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho hay, làm thế nào để quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm đến được với đông đảo du khách là mong mỏi không chỉ của riêng ông mà còn của nhiều người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô.
Nghệ nhân Hồ Văn Hồi giới thiệu về trang phục truyền thống đồng bào các dân tộc sinh sống tại vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị
Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn, nghệ nhân Hồ Văn Hồi từng rất trăn trở và tiếc nuối khi nhiều nét văn hóa của dân tộc mình đang ngày càng bị mai một. Trong đó, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trước thực trạng này, gần 30 năm qua, ông đã dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu.
Sau khi học nghề thành thạo, ông lại đi khắp các bản làng hai huyện Đakrông và Hướng Hóa để truyền dạy lại cho bà con dân bản. Đến nay, đã có hàng chục lớp nghề dệt thổ cẩm truyền thống được nghệ nhân Hồ Văn Hồi trực tiếp đứng dạy.
Nhiều chị em phụ nữ được truyền nghề đã có thể tự mình dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp và hướng dẫn lại cho người khác.
Theo nghệ nhân Hồ Văn Hồi, bảo tồn được nghề đã khó, xong làm thế nào để giữ cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống sống được cũng là một "bài toán" hết sức nan giải. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi cần phải tìm được đầu ra cho các sản phẩm.
Thời gian qua, ông cùng mọi người đã áp dụng nhiều cách để quảng bá như đưa sản phẩm lên mạng xã hội; tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu; đưa nghề dệt thổ cẩm vào phục vụ khách tham quan, trải nghiệm… Qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Hiện đã có nhiều hơn những đơn đặt hàng tìm đến với nghệ nhân Hồ Văn Hồi và những người làm nghề.
Trang phục truyền thống và các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô có sức hấp dẫn đối với nhiều du khách
Nghệ nhân Hồ Văn Hồi cho biết, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì cách làm tốt nhất chính là đưa được nghề và các sản phẩm của nghề đi vào đời sống. Nếu như ngày xưa chủ yếu chỉ dệt ra váy, áo để mặc thì ngày nay cần phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm như khăn trải bàn, rèm cửa, đồ dùng trang trí…
"Phải làm thế nào đó để các sản phẩm từ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc đến được với mọi người, để ai cũng có thể sử dụng được. Có như vậy thì người làm nghề mới sống được với nghề, mới thu hút được thêm nhiều người tham gia, nhất là lớp trẻ", nghệ nhân Hồ Văn Hồi chia sẻ.
Lê Chung
Báo điện tử Tổ Quốc - toquoc.vn - Đăng ngày 28/11/2024