Những phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô ở Đăkrông, Quảng Trị có sáng kiến thành lập “Tổ dệt” để vực dậy làng nghề thổ cẩm truyền thống có nguy cơ biến mất.
Trong ngôi nhà sàn cheo leo bên vách núi, chị Hồ Thị Tra - một thợ dệt thổ cẩm kinh nghiệm - đang tận tình hướng dẫn chị em trong Tổ dệt các thao tác căn bản của nghề dệt truyền thống. Lớp học gồm 20 chị em, đa phần là những thanh nữ 17 - 18 tuổi, miệt mài, tỉ mỉ luồn từng sợi vải để dệt nên những tấm thổ cẩm đặc trưng vùng cao Quảng Trị.
Tổ dệt của những phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô.
Chị Tra cho biết, sáng kiến thành lập Tổ dệt được sự giúp đỡ của Dự án Phát triển nông thôn Quảng Trị do Chính phủ Phần Lan tài trợ. Nghề dệt thổ cẩm lưu truyền trong cộng đồng phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều từ lâu đời.
Chị Hồ Thị Tra năm nay 40 tuổi, nhưng có gần 30 năm gắn bó với nghề dệt dèng. Chị được các bà, các mẹ dạy cho hàng chục kiểu cách dệt thổ cẩm, mỗi kiểu một hoa văn, đường nét khác nhau. Giờ đây trước mong muốn duy trì nghề truyền thống, chị lại lặn lội vượt hàng chục cây số về Đăkrông truyền lại cho các lớp đàn em.
Hồ Thị Phít (học viên đến từ bản Cu Tai 2) bày tỏ: “Muốn dệt được một tấm dèng dài 3m, rộng hơn 1m phải mất từ 5-7 ngày, tuỳ theo hoa văn, nhưng để dệt được thành thạo một tấm thổ cẩm cũng phải học ít nhất 1 năm, muốn dệt đẹp, phải học thêm 6 tháng nâng cao, đó là chưa kể thời gian ở nhà phải thực hành thêm”.
Hiện tổ “liên minh dệt” có 50 chị em đã thành thạo nghề, biết làm thêm nhiều sản phẩm từ thổ cẩm để phục vụ khách du lịch như gối, khăn, tranh và những sản phẩm này đã được khách hàng khắp nơi đặt mua. Chị Nga cho biết, với số tiền bán được, Tổ đã xây dựng quỹ để cho chị em vay mua sắm nguyên liệu, dụng cụ phát triển nghề.
Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng cao, không chỉ trang phục bằng thổ cẩm mà nhiều sản phẩm trên nền thổ cẩm khác cũng sẽ được ra đời để phục vụ khách du lịch. Vì vậy khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm sống lại một nghề thủ công đã bị mai một mà còn giúp chị em dân tộc thiểu số có được việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.
Nguồn : Dân Việt