Theo đó, Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn là
toàn bộ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 4 huyện
Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Quy mô Khu DLQG có tổng
diện tích 232.606 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển du lịch rộng khoảng
2.000 ha.
Quan điểm phát triển của Quy hoạch là phát triển
Khu Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu
UNESCO, chủ yếu dưới hình thức bảo tồn, phát huy tổng thể các loại hình di sản,
khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch, trong đó di sản địa chất đóng
vai trò chủ đạo, các di sản văn hóa dân tộc là bản sắc. Đồng thời phát triển du
lịch Khu DLQG trong mối liên kết với các địa bàn trọng điểm về du lịch, dịch vụ
của tỉnh, các điểm đến trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và với mạng lưới
Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm
2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn
thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang với cơ sở vật chất đồng
bộ, hiện đại. Đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch
quốc gia.
Năm 2020, Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn đón
được 800.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 130.000 lượt. Tổng thu từ
khách du lịch ước đạt 1.300 tỷ đồng. Cơ sở lưu trú có khoảng 2.600 buồng. Tạo
ra việc làm cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp.
Đến năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách, trong
đó khách quốc tế đạt 380.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.000 tỷ đồng.
Cơ sở lưu trú có khoảng 9.000 buồng. Tạo việc làm cho trên 13.000 lao động trực
tiếp.
Về thị trường khách, du lịch nội địa đẩy mạnh
khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội và các đô thị trong vùng đồng bằng
sông Hồng. Về thị trường khách du lịch quốc tế sẽ ưu tiên phát triển thị trường
khách có khả năng chi tiêu cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng
thị trường đến từ ASEAN, Đài Loan, Trung Quốc và Đông Âu.
Về sản phẩm du lịch, tập trung phát triển sản
phẩm du lịch địa chất, du lịch cộng đồng, du lịch thiên nhiên, du lịch đặc thù.
Về tổ chức không gian phát triển du lịch, phát
triển 4 trung tâm du lịch, bao gồm: Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Đồng Văn
gắn với du lịch tham quan, văn hóa lịch sử, nghiên cứu địa chất; Trung tâm du lịch
khoa học, mạo hiểm Mèo Vạc gắn với du lịch sinh thái, khám phá, văn hóa, nghiên
cứu địa chất; Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh Yên Minh gắn với du lịch
sinh thái, thể thao; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí cao cấp Quản Bạ gắn với
du lịch vui chơi giải trí, thể thao và sự kiện. Đồng thời, hình thành 5 phân
khu du lịch chính là phân khu du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong
Mèo Vạc; phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng; phân khu du lịch lòng hồ
thủy điện Thái An; phân khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ; phân
khu du lịch sinh thái Nặm Đăm.
Về định hướng đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống
cơ sở hạ tầng du lịch, chú trọng các trung tâm dịch vụ du lịch; Phát triển sản
phẩm du lịch có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cho Khu
DLQG cao nguyên đá Đồng Văn; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Bảo vệ
tài nguyên và môi trường du lịch, đầu tư cho giảm thải và tái chế các chất thải
từ du lịch; Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…
Để thực hiện tốt quy hoạch, giải pháp về cơ chế,
chính sách được chú trọng với việc ưu tiên miễn giảm thuế với các dự án đầu tư
xây dựng Khu DLQG; Xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù cho Khu DLQG trên cơ sở
điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc hỗ trợ tối ưu để thu hút các
nhà đầu tư; Khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương phục vụ
phát triển du lịch, giảm thuế và ưu đãi về tài chính đối với các dự án phát triển
du lịch có sự tham gia của cộng đồng; Hỗ trợ chính sách đặc thù về đất đai và
giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư dự án tại các khu điểm du lịch,
khu vui chơi giải trí cao cấp.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh giải
pháp huy động vốn đầu tư để phát triển Khu DLQG bao gồm vốn từ nguồn tích lũy
GDP của du lịch, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ngân sách nhà nước,
vốn vay từ nguồn ODA, vốn từ xã hội hóa; cùng với đó là các giải pháp về quản
lý, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị bản
sắc văn hóa…
Hà Giang là một trong những trọng điểm du lịch
phía Bắc. Năm 2017, Hà Giang đón được hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 20%
so với năm 2016; trong đó khách nội địa đạt 853.964 lượt, khách quốc tế đạt gần
170.000 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng. Việc ban hành
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm
nhìn đến năm 2030 sẽ góp phần tập trung thu hút đầu tư, phát triển cơ sở vật chất
kỹ thuật phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đáp ứng nhu
cầu du lịch ngày càng cao và đa dạng của du khách, qua đó thu hút thêm nhiều du
khách đến với Hà Giang, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh
và phát triển Ngành.
Thu Thủy