Dãy núi Lá Sách bên làng Cốc, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) có loại đá giống như tại các ngôi mộ cổ, cách bãi mộ gần 2km nhưng ngăn cách bởi sông Âm. Ảnh: Lê Đồng
Vào cuối năm 2013, chúng tôi may mắn có dịp cùng các nhà sử học hàng đầu Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa về xã Ngọc Phụng để điền dã thực tế trong dịp “Hội thảo khoa học về địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai”. Một số nhà sử học cũng nhận định đây là khu mộ của nghĩa quân Lam Sơn thời kỳ rút về cố thủ ở miền Tây Thanh Hóa.
Tuy chưa thống nhất quan điểm, nhưng điều này cũng không mâu thuẫn với giả thuyết rừng mộ là của nghĩa quân Lam Sơn. Thực tế, chủ tướng của Khởi nghĩa Lam Sơn là Anh hùng dân tộc Lê Lợi – người dân tộc Mường, nên có chôn cất những người lính theo phong tục người Mường cổ cũng là hợp lý. Hơn nữa, do cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra ở xứ Mường nên quân lính theo khởi nghĩa cũng phần nhiều là người Mường.
Theo ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin, huyện Thường Xuân: Hiện chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khảo cứu cụ thể về khu mộ cổ dưới chân dãy Pù Mé, song đã có nhiều nhận định khá thuyết phục là của nghĩa quân Lam Sơn. Quanh khu vực ấy, Nhân dân đã từng thu lượm, khai đào được nhiều binh khí thời xưa như lưỡi kiếm, đai lưng... Gần đây nhất, một nhóm người khai thác cát ven bãi bồi sông Âm cũng tìm được một lưỡi qua bằng đồng – một loại vũ khí của quân đội ngày xưa, hiện huyện và xã đang lưu giữ.
Trong khi chưa có công trình khoa học chính thống kết luận về khu mộ bí ẩn này, thì nó vẫn đang bị xâm hại đến xót xa. Nhiều năm gần đây, nhiều người dân địa phương đã mang mộ phần người mới mất vào chôn đè cả lên những ngôi mộ cổ. Những sinh phần của cư dân hiện đại được gạch đá, bê tông kiên cố, lấn át đi dấu tích những mộ người xưa. Nhiều đời không người chăm sóc, những phiến đá đánh dấu mộ cũng xiêu vẹo, nghiêng đổ theo thời gian. “Đáng tiếc hơn, có thời kỳ nhiều khu mộ ở đây đã bị phá.
Lúc ấy, các đội sản xuất đã kêu gọi khai hoang sản xuất nên phá đi nhiều mộ và cây cối trong khu vực” – ông Lê Đức Tiến, cư dân địa phương cho biết. Người dân địa phương còn truyền lại câu chuyện có phần “liêu trai”, rằng, những năm 80 của thế kỷ trước, có gia đình ông Đỗ Văn H. quê huyện Thiệu Hóa lên làm thợ mộc rồi định cư ngay gần khu mộ. Gia đình ông H. khai thác các phiến đá của các mộ về xây nhà mới, từ đó gia đình làm ăn lụi bại... nên hơn chục năm trước phải bỏ đi nơi khác sinh sống. Có thể chỉ là sự trùng hợp, nhưng từ đó nhiều người địa phương không dám phá mộ lấy đá nữa.
Theo nhiều người cao tuổi ở xã Ngọc Phụng, vào những năm 1970–1980, hàng trăm phiến đá chôn ở đầu và cuối để đánh dấu các mộ đã bị khai thác để nấu vôi bón ruộng. Có thông tin những năm 90 (của thế kỷ trước), một số kẻ đào trộm mộ ở nơi khác đến nghi ngờ có vàng bạc châu báu, nhưng khi đào lên, chỉ thấy lớp than đen và hũ sành nhỏ. Một thời gian dài, nhiều gia đình ở đây còn khai thác các phiến đá quanh mộ để đập ra xây dựng móng nhà, tường rào nên số mộ còn nhận biết giảm đi nhanh chóng. Đó cũng là lý do mà nhiều người cao tuổi nói khi họ còn trẻ có cả nghìn ngôi mộ, nhưng hiện nay, chỉ còn khoảng 200 mộ là xác định được vì còn các phiến đá đánh dấu. Ngay cả xã Ngọc Phụng hiện cũng không nắm chính xác còn bao nhiêu ngôi mộ, mà chỉ có thông tin bãi mộ phân bổ trên diện tích khoảng 1 ha.
Là người công tác trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương, ông Cầm Bá Huyến luôn mong muốn ngành văn hóa, tỉnh hỗ trợ tổ chức một hội thảo và công trình nghiên cứu riêng về rừng mộ. Mong muốn của ông Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân cũng là trăn trở của nhiều người, bởi nếu không có giải pháp bảo tồn, những ngôi mộ ngày càng mai một...
Bài 2: Một vài kiến giải về chủ nhân và niên đại.