Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là điểm đến ở Hà Giang với sự kết hợp hoàn hảo về leo núi khám phá, du lịch cộng đồng, thưởng thức ẩm thực vùng cao.
Cách TP. Hà Giang (tỉnh Hà Giang) về phía Tây khoảng 110 km, huyện Hoàng Su Phì có hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang nối mình uốn lượn trên những ngọn núi cao. Là di tích đã được xếp hạng quốc gia, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một trong những điểm du lịch quan trọng của tỉnh này.
Tại đây, du khách còn có thể tìm hiểu tập quán canh tác của 12 dân tộc anh em cùng chung sống tại đây, mỗi dân tộc lại có một tập quán khác nhau. Điều này được thể hiện rõ nhất qua cách những ngươi đân nơi đây làm ruộng.
Cụ thể, người Dao đỏ ở Hồ Thầu làm ruộng được bao quanh bởi những rừng vầu, xen kẽ với những thác nước tạo nên vẻ đẹp riêng có. Còn người La Chí tận dụng tất cả những khu vực có thể canh tác được để làm ruộng bậc thang và người Nùng thường làm ruộng sát nhà với những vẻ đẹp khác nhau. Ở Thông Nguyên, Nậm Ty hay Sán Sả Hồ là những ruộng bậc thang rộng mênh mông, trải dài tít tắp, còn ở Bản Phùng là những khu ruộng đồ sộ, cao hàng trăm bậc...
Cùng với đó là những phong tục, lễ hội mang bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì như lễ cúng Bàn Vương của người Dao ở xã Hồ Thầu, hội chọi dê ở xã Thông Nguyên, Nậm Ty... được Hà Giang nỗ lực bảo tồn. Theo ông GĐ Sở VH-TT&DL Hà Giang, cơ quan này đang nghiên cứu, lập đề án bảo tồn và phát huy một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc để đưa vào khai thác hoạt động du lịch. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trong Không gian du lịch Tây Nam của tỉnh, với định hướng phát triển chính là du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa, trong đó, di tích ruộng bậc thang, núi Tây Côn Lĩnh là trọng tâm phát triển.
Theo nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì sẽ trở thành điểm du lịch quan trọng gắn với các hoạt động trải nghiệm như xây dựng tour leo núi mạo hiểm, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa tại bản dân tộc Tày thôn Làng Giang (xã Thông Nguyên), bản dân tộc Dao đỏ thôn Tả Phìn Hồ (xã Nậm Ty); thăm vùng trồng chè trên núi cao... Những sản phẩm này được kỳ vọng là điểm nhấn thu hút khách đến với Hà Giang trong thời gian tới.
Phương Nhi
Nguồn: travelmag