Những bức tranh vẽ cảnh quân Pháp tấn công thành Gia Định, bắt giữ người dân, binh lính triều Nguyễn chống trả... được trưng bày.
Triển lãm "Sài Gòn từ thành thị phong kiến đến thành phố kiểu phương Tây" diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (đường Lê Duẩn, quận 1) từ đầu năm.
Không gian được tái hiện như một biệt thự cổ kiểu Pháp, trưng bày khoảng 200 tài liệu gồm một số mộc bản triều Nguyễn, các hình ảnh của Trung tâm lưu trữ và nhà sưu tập về Sài Gòn - Gia Định.
Triển lãm dành một góc riêng trưng bày những bức tranh vẽ cảnh sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh vào Đà Nẵng năm 1858, đến năm 1859 thì tấn công Gia Định.
Nổi bật là bức tranh khổ lớn trên ô cửa sổ vẽ liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công thành Gia Định rạng sáng 17/2/1859.
Vị trí thành Gia Định hiện nay ở khu vực đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng (quận 1).
Một bức tranh khác vẽ liên quân Pháp - Tây Ban Nha đi thuyền chiến tấn công thành Gia Định.
Sau khi thành Gia Định bị thất thủ, quân Pháp phá tung nhiều đoạn tường thành, đốt dinh thự kho tàng bên trong... Kể lại vụ việc này, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã ghi: Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây...
Bản đồ tấn công Gia Định năm 1859 của liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
Trang phục của binh linh Pháp - Tây Ban Nha trong trận chiến thành Gia Định.
Tranh vẽ tái hiện cảnh những chức sắc, người dân trong một ngôi làng ở Gia Định đến trình diện tướng Pháp sau ngày thất thủ.
Sau trận chiến, quân Pháp ra sức tăng cường mở rộng chiếm đóng. Năm 1860 tướng Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế cử vào Gia Định nắm quyền chỉ huy ở Nam Kỳ. Ông cho mở rộng đồn Chí Hòa thành một cứ điểm Quân sự lớn với quyết tâm đuổi kẻ thù ra khỏi đất nước.
Ngày 24/2/1861, trận chiến diễn ra ác liệt và sau nhiều giờ tấn công, đồn Chí Hòa thất thủ. Bức tranh được trưng bày tái hiện cảnh quân Pháp dàn trận tấn công đại đồn Chí Hòa. Quân Pháp đánh chiếm pháo đài Rạch Tra, một cứ điểm trong đại đồn Chí Hòa.
Quân Pháp đánh chiếm pháo đài Rạch Tra, một cứ điểm trong đại đồn Chí Hòa.
Chùa Kiểng Phước, một phòng tuyến trong trận đánh Chí Hòa bị quân Pháp chiếm giữ.
Tranh vẽ cảnh binh lính triều Nguyễn bị quân Pháp bắt giữ trong ngày đại đồn Chí Hòa thất thủ.
Đại đồn Chí Hòa thất trận, triều đình phải cử Phan Thanh Giản tới giảng hòa và miễn cưỡng ký hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862 nhường 3 tỉnh miền Đông, đảo Côn Lôn cho quân Pháp và phải bồi thường chiến phí. Nội dung hiệp ước bằng tiếng Pháp được trưng bày.
Tranh vẽ cảnh chánh sứ Phan Thanh Giản và thiếu tướng Bonard ký kết hòa ước Nhâm Tuất trên một tàu chiến của Pháp đậu ở Sài Gòn.
Triển lãm mở cửa tự do và kéo dài cho đến khi Trung tâm lưu trữ có sự kiện mới.
Quỳnh Trần