Đối với tỉnh Sóc Trăng, loại hình du lịch văn hóa được đánh giá là có tiềm năng để phát triển trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, cùng với các sản phẩm du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển cùng góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Lễ hội Đua Ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng
Sóc Trăng là nơi tinh hoa văn hóa hội tụ trong sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố từ đời sống, phong tục tập quán, ẩm thực... có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, dồi dào; tỉnh không chỉ có nền văn hóa đậm chất truyền thống mà còn giao thoa mang nét đẹp hiện đại. Những điểm đến nổi tiếng đã trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút du khách khi đến vùng đất giao thoa văn hóa của 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Đây là những điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng sớm khẳng định thế mạnh đặc thù trong việc phát triển loại hình du lịch văn hóa.
Tài nguyên phát triển du lịch văn hóa độc đáo và đa dạng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 51 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong đó, có 37 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng, 10 loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, 03 loại hình di tích lưu niệm danh nhân và 01 danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có 08 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và quốc gia: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Lễ hội Nghinh Ông, nghề làm bánh Pía, nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, nghệ thuật múa Rô-băm, múa Romvong, nghệ thuật sân khấu Dù Kê, Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Đây là những di sản quý giá, đồng thời là những sản phẩm du lịch tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Sóc Trăng.
Sức hấp dẫn từ các ngôi chùa có kiến trúc và văn hóa đặc sắc
Chùa Kh'leang, Sóc Trăng
Sóc Trăng vùng đất của những ngôi chùa độc đáo toàn tỉnh có trên 200 ngôi chùa của 03 dân tộc: chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Kh'leang, chùa La Hán, chùa Som Rong, chùa Quan âm Linh ứng… Đến với các ngôi chùa Sóc Trăng du khách không khỏi choáng ngợp trước những kiến trúc nghệ thuật, trang trí độc đáo lộng lẫy mang tổng thể hài hòa các sắc thái đậm nét văn hóa dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.
Thông qua nghệ thuật kiến trúc xây dựng trên các ngôi chùa, người dân nơi đây muốn giữ gìn nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo cùng tinh thần hướng thiện đến cộng đồng như: Chùa Kh’leang, ngôi chùa cổ gắn liền với tên gọi Sóc Trăng, đây là ngôi chùa theo phật giáo Nam tông Khmer với một quần thể kiến trúc nghệ thuật thể hiện qua ngôi chánh điện, sala… trang trí bằng các hoa văn, phù điêu mang đặc trưng của kiến trúc Khmer Nam Bộ.
Mỗi công trình nghệ thuật trong chùa đều là một chỉnh thể mỹ thuật độc đáo bởi đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân Khmer đã kiến tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp; chùa Bôtum Vong Sa Som Rong là điểm đến ấn tượng nhất, được nhiều du khách biết đến nhiều nhất vì trong khuôn viên chùa có tượng Phật Thích Ca nằm uy nghiêm phúc hậu ở ngoài trời lớn nhất hiện nay, ấn tượng với màu trắng xám của ngôi Bảo Tháp bởi nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, mỗi họa tiết hoa văn đều rất sống động…
Ngoài ra, những ngôi chùa mang kiến trúc của người Hoa trong tỉnh Sóc Trăng hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, bề thế và lối kiến trúc truyền thống với những nét đường chạm trổ độc đáo, nhất là chùa La Hán và các ngôi cổ tự khác với kiểu kiến trúc và trưng bày hài hòa. Người Hoa thờ những vị thần thánh để khấn vái cầu nguyện. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên Tiêu, chùa Hoa thường tổ chức lễ hội rước đèn, bửu tháp, bánh phước với ý nghĩa mang điều tốt lành đến cho mọi nhà và động viên tinh thần làm việc hăng hái trong năm.
Nét văn hóa đặc sắc qua các lễ hội
Bên cạnh những ngôi chùa cổ kính, tỉnh còn có nhiều lễ hội độc đáo, hấp dẫn lôi cuốn chỉ có ở Sóc Trăng, du khách được khám phá những nét văn hóa đặc sắc thông qua nghi thức lễ hội ấn tượng của người Khmer: Tết Chôl-Chnăm-Thmây; lễ hội Thak Côn, lễ hội Phước Biển,... là các lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên và tạ ơn đức Phật đã che chở để một năm trôi qua yên ấm, suôn sẻ; mang ý nghĩa tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản dồi dào, bên cạnh đó cầu nguyện ngư dân đi biển được bình an, may mắn, thu hoạch được nhiều cá tôm… Các lễ hội diễn ra với các nghi thức chính mang tinh thần Phật giáo bao gồm dâng cơm cho sư, mời sư tụng kinh cầu siêu, làm phước để cầu an và sau cùng là thuyết pháp cho Phật tử nghe về giáo lý nhà Phật.
Ngoài ra, Lễ hội sông nước miệt vườn nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản, các loại bánh dân gian của vùng đất sông nước, tôn vinh sức lao động của người nông dân; Lễ hội Nghinh Ông thể hiện lòng thành kính của ngư dân vùng Kinh Ba (Trần Đề), hy vọng sẽ được Cá Ông che chở, bảo vệ, có mùa cá bội thu, cuộc sống an lành sung túc. Hàng năm, các lễ hội thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.
Trong những lễ hội của các dân tộc ở Sóc Trăng, ấn tượng nhất, hoành tráng nhất và cũng là “thương hiệu” của du lịch Sóc Trăng, chính là Lễ hội Ooc Om Boc - Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Lễ hội với nhiều hoạt động hấp dẫn: Liên hoan ẩm thực đường phố, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Khmer, Lễ cúng Trăng (Oóc Om Bóc), Hội thi Lôi Prôtip (Thả đèn nước) và phục dựng ghe Cà Hâu… Thu hút và chờ đợi nhất là giải đua ghe Ngo, cuộc đua quy tụ hàng ngàn vận động viên từ các đội ghe nam, nữ người dân tộc Khmer tại các chùa thuộc các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và các tỉnh bạn tham gia tranh tài.
Năm 2013, Chính phủ quyết định nâng Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo lên tầm quốc gia và tổ chức Festival Đua ghe Ngo đầu tiên ở Sóc Trăng, thời gian tổ chức 2 năm một lần; năm 2015 đổi tên gọi là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2022, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được tổ chức Guinness Việt Nam trao quyết định công nhận Kỷ lục Guinness Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay.
Về làng nghề truyền thống và ẩm thực
Sóc Trăng cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo đang được bảo tồn và phát triển mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương gắn với du lịch như nghề vẽ tranh trên kiếng, nghề đâm cốm dẹp, nghề mây tre, đan lát, nghề bánh phồng mì, nghề làm bánh pía,…
Món bún nước lèo Sóc Trăng được vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Ẩm thực luôn là một đề tài thú vị với vùng đất Sóc Trăng ẩm thực không chỉ là những món ăn, công thức chế biến mà đây là một nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Mỗi khi nhắc đến Sóc Trăng, hầu như du khách đều biết đến đặc sản: bánh pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, mè láo, củ cải muối (xá pấu), mắm cá rô không xương, bún nước lèo, bún gỏi dà, bánh cống… Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng khai thác và phát triển văn hóa ẩm thực kết hợp các điểm đến tạo nên danh tiếng gần xa: món bún nước lèo và bánh cống Sóc Trăng được vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; bánh Pía vào top 10 đặc sản quà bánh nổi tiếng Việt Nam. Đặc biệt, còn lưu giữ được một số nghề truyền thống, mà nổi tiếng nhất là nghề làm bánh pía với xưng danh “thủ phủ bánh pía miền Tây”, là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tiêu biểu là thương hiệu bánh pía Tân Huê viên gắn với công trình đang được xây dựng là Tòa Liên Hoa Bảo Tháp thuộc Điểm du lịch Tân Huê Viên, huyện Châu Thành - là sản phẩm du lịch độc đáo vừa giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc vừa giới thiệu cho khách tham quan mô hình sản xuất theo dây chuyền sản xuất bánh pía hiện đại; cũng là sản phẩm du lịch có tính đại diện cho tỉnh để liên kết với du lịch vùng, du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch văn hóa phát triển hiệu quả từ công tác xúc tiến, quảng bá
Có thể nói, việc gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa, đầu tư phát triển các điểm, khu du lịch, di tích lịch sử, làng nghề là cơ sở, nguồn lực quan trọng để Sóc Trăng phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh việc đầu tư phát triển du lịch, đa dạng sản phẩm hướng tới phát triển du lịch bền vững, công tác quảng bá, xúc tiến được xác định là nhiệm vụ quan trọng và là giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy du lịch Sóc Trăng phát triển.
Du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Sóc Trăng, trong năm 2024, trung tâm đã và đang tham mưu triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Sóc Trăng”, Đề án “Chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Sóc Trăng”, đồng thời triển khai Dự án Phát triển du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp du lịch văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Đơn vị đã triển khai thực hiện xây dựng Đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng” nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch sông nước của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh. Song song đó, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch, điểm du lịch; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dự án về du lịch, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, góp phần ngày càng khởi sắc và phát triển bền vững, khẳng định thế mạnh đặc thù của mình trong lĩnh vực du lịch văn hóa, mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa.
Du lịch văn hóa - lễ hội là cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác”. Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh. Hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển”.
Với sự đa dạng văn hóa, các danh lam thắng cảnh độc đáo và chính sách phát triển du lịch bền vững, Sóc Trăng đang dần khẳng định thế mạnh đặc thù của mình trong lĩnh vực du lịch văn hóa, mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa. Phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc trong từng sản phẩm, Sóc Trăng đang đề ra nhiều giải pháp để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, góp phần tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển mạnh mẽ hơn./.
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng