Cinet – Trong khuôn khổ ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc', ngày 25/2, tại Làng dân tộc Bố Y, Khu các làng dân tộc I (Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam) đồng bào dân tộc Bố Y sẽ tái hiện Lễ cưới của dân tộc mình.
Với dân tộc Bố Y, phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc
văn hóa của dân tộc luôn được coi trọng và giữ gìn đến ngày nay. Trước
đây, dân tộc Bố Y có tập tục là chỉ được lấy người cùng dân tộc mình.
Sau này tập tục đó được bãi bõ, nam nữ được tự do chọn vợ, chọn chồng ở
các dân tộc khác. Lễ cưới được tổ chức đầu xuân với mong muốn sự sinh
sôi, nảy nở.
Lễ cưới của người Bố Y được trải qua nhiều giai đoạn. Khi hỏi vợ cho
con, cha mẹ nhờ hai bà có tư cách trong làng làm mối. Người mối đến nhà
cô gái bày tỏ nguyện vọng của nhà trai. Nếu bên ấy nhận lời thì bà mối
mượn lá số của cô gái về nhờ so tuổi. Ngày xưa, khi nhà gái nhận lời, họ
sẽ gửi bà mối tặng nhà trai chục trứng gà nhuộm đỏ để tỏ lòng yêu mến
của mình với chàng rể tương lai. Nếu thấy hợp tuổi nhà trai lại nhờ hai
người đàn ông đủ uy tín đem theo một số lễ vật đến nhà gái trả lá số và
xin giá ăn hỏi. Lễ vật này thường có một chao rượu, một cân đường và một
con gà.
Khi làm lễ cưới, nhà trai lại đem đến nhà gái trước hôm đón dâu một ngày
những đồ sính lễ: một đôi gà, bảy đôi bánh dày gạo nếp, 40kg gạo tẻ, 40
lít rượu trắng, 40kg thịt lợn, một bộ nữ phục bao gồm: quần áo, khăn,
xiêm, giày vải, trang sức bằng bạc: một đôi khuyên, một đôi vòng cổ, một
đôi vòng tay. Tất cả được đựng vào một chiếc rương màu đỏ. Chiếc rương
này sẽ được đem về nhà chồng trong buổi dẫn dâu.
Đoàn dâu thường chỉ có từ tám đến mười người, nhưng phần nhiều đều ít
tuổi. Trong đoàn này phải có hai đôi còn son trẻ, hai đôi đã có vợ
chồng. Họ là anh, chị, em và bầu bạn thân thiết của chú rể. Điều đáng
lưu ý là chàng rể không bao giờ có mặt trong đoàn đón dâu. Em gái chàng
rể dắt theo một con ngựa hồng đẹp mã để chị dâu cưỡi lúc về nhà chồng.
Nhà gái cũng cử ra một đoàn có con số và thành phần tương ứng với đoàn
nhà trai để đưa dâu.
Lúc về nhà chồng cô dâu mang một chiếc áo. Đó là dụng cụ nữ công của bổn
phận làm gái. Cô còn đem theo một mái gà con để đến giữa đường thả nó
về rừng. Em gái chàng rể là người dắt ngựa cho chị dâu. Đoàn đưa dâu đi
thong thả, dọc đường vui vẻ chuyện trò và nghe những bài kèn của thanh
niên họ nhà trai.
Về nhà nhà chồng, đôi tân hôn quỳ trước bàn thờ, quay lạy bốn phương và
tổ tiên rồi vào tranh phòng. Sau đó họ được hai người bạn trai và bạn
gái giúp đỡ đi mời rượu để nhận họ. Trong lễ tiết này cô dâu và chú rể
được mọi người tùy tâm trao tặng một số tiền làm vốn. Đây chính là nét
chính của quá trình hôn lễ.
Việc tái hiện lễ cưới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp
văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc Bố Y; Đồng
thời, góp phần thu hút, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc đồng
bào dân tộc Bố Y đến du khách tham quan tại “Ngôi nhà chung”, Làng Văn
hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Lan Phạm