Lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm đã được thực hiện vào sáng 15/3 tại Khu di tích lịch sử đình - đền Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội theo đúng nghi thức truyền thống.
Lễ giỗ tổ nghề do Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân hát xẩm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Thái Bình, Ninh Bình cùng các học viên Học viện Âm nhạc quốc gia.
Buổi lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống để cùng nhau giữ nghiệp Tổ, đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung. Sau các nghi lễ thiêng liêng, các nghệ sỹ cùng sinh hoạt nghề, nói chuyện Xẩm và trình diễn nghệ thuật hát Xẩm.
Nghề hát Xẩm ra đời vào thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm với ông Tổ nghề tương truyền là Thái tử Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực, ông bị người anh ruột hại đến thân tàn ma dại trong rừng sâu. Thần linh thương xót đã ban cho ông nghề ca hát để tha phương cầu thực. Tiếng hát ấy vang tới tận triều đình và giúp ông được trở về cung vào ngày 22/2 âm lịch. Tuy nhiên, thái tử Trần Quốc Đĩnh đã từ chối vinh hoa phú quý mà chọn con đường đi khắp dân gian truyền nghề hát cho người dân kiếm kế sinh nhai. Từ đó, ngày 22/2 âm lịch hàng năm được xem là ngày giỗ tổ nghề hát Xẩm.
Sau một giai đoạn lịch sử dài bị gián đoạn, vào năm 2005, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ giỗ tổ nghề đầu tiên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, đánh dấu sự trở lại thường niên của sinh hoạt lễ nghi thiêng liêng trong nghề hát Xẩm./.
Nguồn : Báo Tổ Quốc