Khu du lịch văn hóa lúa nước nằm tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò - Đồng Tháp, với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, có tổng diện tích 72,3ha do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hai Lúa đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
Ông Đặng Phước Thành (Bảy Thành), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hai Lúa cho biết khu du lịch Văn hóa lúa nước nhằm tái hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được chia thành 3 khu vực là khu bảo tồn, bảo tàng và nghỉ dưỡng; khu trồng cây ăn trái; khu trồng lúa và rừng sinh thái.
Khu bảo tồn, bảo tàng và nghỉ dưỡng là nơi trưng bày các loại nông cụ, sinh vật quý hiếm, lịch sử văn hóa lúa nước và hình ảnh lịch sử tỉnh Đồng Tháp nhằm giữ gìn và truyền bá nét văn hóa truyền thống.
Khu nghỉ dưỡng vừa hiện đại, vừa dân dã gồm các loại hình nhà ở dân dã với nội thất hiện đại, các nhà sàn gỗ theo mô hình sinh thái vùng nông thôn Việt Nam, một số ngôi nhà tách biệt xen kẽ với vườn cây ăn trái, hoa kiểng thể hiện nếp sống bình yên của vùng nông thôn Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có hồ bơi dành cho khách du lịch nước ngoài, khu massage dưỡng thể và luyện tập yoga; khu dịch vụ du lịch siêu thị mini và sinh hoạt dịch vụ cao cấp, dịch vụ cho thuê: xuồng, ghe, xe ngựa, xe bò, lưới giăng. Trong đó còn có khu công trình văn hóa dân gian là nơi tưởng niệm, tôn vinh các vị có công khai phá vùng đất phương Nam, kết hợp với khu sân khấu ngoài trời.
Đặc biệt khu tổ chức lễ hội sẽ diễn ra ra các hoạt động văn hóa tâm linh của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long như: cúng đình, đi chùa, giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên, gả cưới; hát dân ca khi tới mùa gieo sạ lúa và hát cải lương mừng ngày bội thu mùa gặt.
Tiếp đến là các khu làng nghề truyền thống nhằm khôi phục, tôn vinh Tổ nghề Nam bộ như nghề dệt chiếu, làm mắm, làm bột, lò rèn, mộc, đóng xuồng ghe, câu lưới... kết hợp trưng bày bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ do làng nghề làm ra. Trong đó còn có khu giới thiệu các loài tre (bố trí khoảng 200 loài tre) các loại; khu ẩm thực bố trí kết hợp với chợ nổi tái hiện cảnh buôn bán trên sông của nông dân Nam bộ...
Khu trồng cây ăn trái giới thiệu các loại cây đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như xoài, cam, quít, sa bô, bưởi, vú sữa với hệ thống tưới tiêu kết hợp nuôi cá, nuôi tôm cùng kỹ thuật gieo trồng không dùng phân bón hóa học.
Khu phân bố khoảng 100 ao có kích thước 2x10m cung cấp dịch vụ tát nước, bắt tôm, cá, mang lại cảm giác thú vị cho du khách khi được tự tay tát cạn nước bằng gầu sòng, đặt lợp, xà vi để bắt cá. Đội ngũ nhân viên phục vụ sẽ giúp khách chế biến thức ăn tại chỗ theo ý thích.
Trong khu vực này còn có khu vui chơi giải trí dân gian như chọi gà, chọi trâu, chọi cá, chọi chim, câu cá... kết hợp với khu ẩm thực dân gian; khu tham quan các loài chim quý hiếm, các loại trái cây theo mùa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các khu diễn vở tuồng cải lương xưa nói về đời sống văn hóa dân gian hay tuồng tích lịch sử của dân tộc.
Khu trồng lúa và rừng sinh thái bố trí các nhà sàn ven kênh, sông sống bằng nghề trồng lúa nước, tát đìa bắt cá, giăng câu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm một số nghề thủ công như nuôi ong, làm bột, bánh tráng, bánh phồng, nem....; xem kẽ với 9 ha ruộng trồng lúa là các khu bảo tồn trồng tràm, ô rô, sen, bông súng, lúa trời, điên điển, năn, sậy, các loài rong rêu, lục bình, vẹt, dừa nước...
Hàng ngày đều có cảnh thực hiện lại việc trồng lúa nước như cắt, đập, bừa, cày cấy, tát nước vào ruộng, trâu bò kéo lúa về nhà. Ngoài ra, môi trường sinh thái lúa nước, các đầm bưng, sen và rừng tràm cũng được quy hoạch, tạo môi trường tự nhiên, làm nơi sinh sống của các loài rắn, rùa, chim, cò... Trong khu này còn bố trí một phần diện tích để xây dựng đài quan sát toàn khu vực.
Dự án nhằm nâng cao giá trị văn hóa “Vùng Lúa nước,” tái hiện, bảo tồn và bảo tàng sự tinh hoa nền văn hóa truyền thống. Đến đây du khách có thể tận mắt chứng kiến hình ảnh sản xuất lúa nước của cha ông ta với đời sống, sinh hoạt của cư dân lúa nước và nông thôn của thời xa xưa và tự tay thực hiện các hoạt động đánh bắt cá dân dã hay tập làm các ngành nghề truyền thống địa phương.
Dự án Khu du lịch Văn hóa lúa nước được tỉnh bổ sung vào bản đồ du lịch Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long một địa chỉ du lịch - văn hóa hấp dẫn trong tương lai ./.
Nguồn : TTXVN