Bài viết tập trung vào việc phân tích vai trò của công nghệ trong việc phát triển du lịch tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý, vận hành và phát triển du lịch.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam
ThS. Lý Liệt Thanh
Trường Đại học Văn Hiến
Email: thanhll@vhu.edu.vn
Tóm tắt
Công nghệ số đang làm thay đổi ngành
du lịch với nhiều tính năng tích hợp mới. Ngoài các tính năng cơ bản
cho phép người sử dụng tìm kiếm thông tin, đặt phòng khách sạn, vé máy
bay, thì các ứng dụng còn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để đưa ra
những trải nghiệm dành cho nhu cầu của từng cá nhân như danh sách các
điểm tham quan, nhà hàng, hay trải nghiệm độc đáo dựa trên lịch sử hành
trình trước đó. Bài viết tập trung vào việc phân tích vai trò của công
nghệ trong việc phát triển du lịch tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải
pháp cụ thể nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản
lý, vận hành và phát triển du lịch.
GIỚI THIỆU
Điều 3, Luật Du lịch Việt Nam năm 2017
đã quy định rõ: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch
đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm
hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm
tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Du
lịch bền vững không chỉ đòi hỏi việc bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn
hóa, mà còn phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi
trường. Tuy nhiên, để đạt được điều này, ngành du lịch cần có những bước
đi đổi mới mạnh mẽ, trong đó việc ứng dụng công nghệ là một trong những
yếu tố tiên quyết. Công nghệ hiện đại không chỉ hỗ trợ cải thiện hiệu
quả quản lý, vận hành, mà còn đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu tác
động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Việc áp dụng công nghệ vào du
lịch, từ quản lý tài nguyên, kiểm soát lượng khách, đến cải thiện trải
nghiệm du khách, sẽ giúp ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững
hơn. Đặc biệt tại Việt Nam, một quốc gia với tiềm năng du lịch lớn,
nhưng còn hạn chế về cơ sở hạ tầng và quản lý, thì việc tăng cường ứng
dụng công nghệ sẽ là chìa khóa quan trọng để tối ưu hóa nguồn lực và đảm
bảo sự phát triển lâu dài.
VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam
phát triển mạnh mẽ, việc duy trì và thúc đẩy du lịch bền vững đã trở
thành một nhiệm vụ cấp bách. Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, quá tải
tại các điểm đến và sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều
thách thức lớn đối với ngành du lịch. Để giải quyết những vấn đề này,
công nghệ được coi là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả quản lý,
giảm thiểu tác động tiêu cực và cải thiện trải nghiệm du khách. Bằng
cách ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, Việt Nam có thể đảm bảo
sự phát triển du lịch hài hòa với việc bảo vệ môi trường, duy trì giá
trị văn hóa và tối ưu hóa nguồn lực. Vai trò của công nghệ trong du lịch
bền vững sẽ được thể hiện rõ qua những khía cạnh sau:
Tối ưu hóa quản lý tài nguyên du lịch
Công nghệ đóng vai trò then chốt trong
việc giám sát, quản lý và bảo vệ tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài
nguyên thiên nhiên và văn hóa. Với sự phát triển của các công cụ số hóa
và công nghệ quản lý dữ liệu, các cơ quan chức năng có thể theo dõi,
đánh giá và đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm tránh tình
trạng khai thác quá mức các tài nguyên du lịch. Các công nghệ như hệ
thống thông tin địa lý (GIS) và dữ liệu lớn (Big Data) giúp các cơ quan
quản lý theo dõi biến động về môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đồng
thời dự báo tác động tiềm năng từ hoạt động du lịch. Tại các khu bảo
tồn thiên nhiên, hệ thống cảm biến IoT có thể giám sát các yếu tố môi
trường, như: chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm, và cảnh báo khi có
dấu hiệu suy thoái. Ví dụ: Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng,
một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, đã ứng dụng công
nghệ GIS để quản lý việc di chuyển của khách du lịch trong khu vực, qua
đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nhạy cảm (Mai Thùy,
2017).
Kiểm soát lượng khách du lịch và phân phối nguồn lực hợp lý
Một vấn đề quan trọng trong phát triển
du lịch bền vững là kiểm soát số lượng khách du lịch tại các điểm đến
nổi tiếng, nhằm tránh tình trạng quá tải, đồng thời đảm bảo sự phân phối
đồng đều khách du lịch trên toàn bộ quốc gia. Sự phát triển của công
nghệ giúp các nhà quản lý dễ dàng theo dõi lượng khách, từ đó đưa ra các
chính sách phân bổ hợp lý nguồn lực và cơ sở hạ tầng. Hệ thống đặt chỗ
trực tuyến và quản lý vé điện tử cho phép theo dõi số lượng khách theo
thời gian thực tại các điểm tham quan. Công nghệ blockchain có thể được
áp dụng để tạo ra hệ thống vé du lịch phân tán, cho phép theo dõi và
kiểm soát lượng khách một cách minh bạch và hiệu quả. Ví dụ: các địa
danh như Vịnh Hạ Long có thể sử dụng hệ thống này để kiểm soát lượng
khách vào thăm, đồng thời cung cấp thông tin thời gian thực về mật độ
khách du lịch tại các khu vực chính.
Cải thiện trải nghiệm du khách thông qua công nghệ
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong
việc nâng cao trải nghiệm của du khách, từ việc cá nhân hóa các dịch vụ
đến cung cấp các thông tin du lịch theo thời gian thực. Các ứng dụng di
động, hệ thống thông tin điểm đến và thực tế ảo (VR) mang lại cho du
khách những trải nghiệm phong phú và linh hoạt. Các ứng dụng di động du
lịch tích hợp, chẳng hạn như: Vietnam Travel, cung cấp thông tin chi
tiết về điểm đến, dịch vụ, tuyến đường, thời gian tham quan, giúp du
khách dễ dàng lên kế hoạch hành trình của mình. Thực tế ảo và thực tế
tăng cường (AR) cũng được sử dụng tại các điểm tham quan nổi tiếng để
giới thiệu các câu chuyện lịch sử và văn hóa mà không cần tiếp xúc trực
tiếp với các di tích, giúp giảm thiểu áp lực lên cơ sở hạ tầng du lịch.
Ứng dụng công nghệ xanh trong các hoạt động du lịch
Một khía cạnh quan trọng của du lịch bền
vững là bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động
du lịch. Công nghệ xanh đóng góp quan trọng vào mục tiêu này, từ việc sử
dụng các giải pháp năng lượng tái tạo đến giảm lượng rác thải tại các
điểm du lịch. Các khu nghỉ dưỡng sinh thái hiện nay đã bắt đầu ứng dụng
các giải pháp công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống quản lý nước
thông minh để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành có thể sử dụng các nền tảng kỹ thuật
số để khuyến khích du khách giảm thiểu việc sử dụng nhựa một lần, tham
gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây hay thu gom rác.
Hỗ trợ cộng đồng địa phương thông qua công nghệ
Phát triển du lịch bền vững không chỉ
dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, mà còn bao gồm việc thúc đẩy sự phát
triển kinh tế và văn hóa của cộng đồng địa phương. Công nghệ có thể hỗ
trợ cộng đồng thông qua các nền tảng kinh tế chia sẻ, giúp người dân bản
địa có thể tham gia cung cấp dịch vụ du lịch. Các nền tảng như Airbnb,
Uber và các ứng dụng du lịch địa phương giúp cộng đồng có thể tham gia
trực tiếp vào các hoạt động du lịch, mà không cần đầu tư quá nhiều vào
cơ sở hạ tầng lớn. Điều này giúp lan tỏa lợi ích kinh tế từ du lịch đến
nhiều tầng lớp trong xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững ở
cấp địa phương.
THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Kết quả đạt được
Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số
trong phát triển du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều
chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ đã được ban hành, như:
Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành “xây dựng
chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển
công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô
thị thông minh”. Mục đích của chuyển đổi số trong ngành du lịch là phải
giữ được quan hệ với khách hàng, tạo sức hấp dẫn thu hút thêm khách
hàng mới thông qua những nền tảng trực tuyến, như: ứng dụng Zalo,
Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về
điểm đến du lịch an toàn... Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của
Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Cuối năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch đã ban hành Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để
phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn" (theo Quyết định số 3570/QÐ-BVHTTDL, ngày 21/12/2022). Mục
tiêu của Đề án là ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp
ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ
kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp,
khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh
đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý
nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của
du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo
phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Để đạt mục tiêu trên, Đề án đề ra nhiều
nhiệm vụ và giải pháp như sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật
về phát triển du lịch thông minh; Phát triển hệ thống dữ liệu số trong
lĩnh vực du lịch; Phát triển các ứng dụng: Nhóm 1: Ứng dụng hỗ trợ khách
du lịch, Nhóm 2: Ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch, Nhóm 3:
Ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh, Nhóm 4: Ứng dụng hỗ trợ,
quản lý doanh nghiệp thông minh; Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin;
Nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về
phát triển du lịch thông minh…
Thực tế cho thấy, việc sử dụng công nghệ
trong du lịch đã được triển khai rộng khắp trong các hoạt động của
ngành du lịch trong những năm gần đây. Theo đó, các hệ thống thanh toán
di động, như: Apple Pay và Google Wallet đã hợp lý hóa các giao dịch,
cho phép khách du lịch nước ngoài mua hàng một cách thuận tiện và an
toàn, loại bỏ nhu cầu đổi tiền mặt và chuyển đổi tiền tệ. Các nền tảng
đặt phòng trực tuyến như: Booking.com cung cấp cho du khách nhiều lựa
chọn chỗ ở phù hợp với sở thích, từ nhà dân ấm cúng đến khu nghỉ dưỡng
sang trọng, tất cả đều có thể truy cập dễ dàng chỉ bằng vài cú nhấp
chuột. Các ứng dụng dịch ngôn ngữ như: Google Translate phá vỡ các rào
cản giao tiếp, cho phép khách du lịch khám phá môi trường nước ngoài dễ
dàng hơn và tương tác hiệu quả hơn với người dân địa phương.
Ngoài ra, công nghệ thực tế tăng cường
(AR) vàc thực tế ảo (VR) mang lại trải nghiệm sống động, cho phép khách
du lịch khám phá các điểm đến ảo trước khi đến hoặc tham gia các chuyến
tham quan bảo tàng tương tác.
Các cơ sở lưu trú trước đây từng phụ
thuộc vào truyền miệng và các đại lý địa phương, hiện đã và đang sử dụng
các trang web và ứng dụng, như: Airbnb và Agoda để tiếp cận khách hàng
toàn cầu và mang lại những trải nghiệm độc đáo. Các nhà trọ do gia đình
quản lý ở Hội An giờ đây có thể dễ dàng thu hút du khách từ châu Âu hoặc
châu Mỹ, điều gần như không thể tưởng tượng được cách đây một thập kỷ.
Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại
điện tử như Etsy và các chợ trực tuyến địa phương đã mở ra thị trường
mới cho các nghệ nhân Việt Nam, cho phép họ bán hàng thủ công truyền
thống ra quốc tế và mở rộng cơ sở khách hàng của họ vượt xa cửa hàng
thực tế. Chỉ với vài cú nhấp chuột, khách du lịch có thể khám phá nhiều
lựa chọn khác nhau, đọc bài đánh giá và đưa ra quyết định sáng suốt.
Tại Hà Nội, các địa chỉ như Trung tâm
Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử
quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... đã tổ chức nhiều triển lãm trực
tuyến, bán vé tham quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách .
Còn tại TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện ứng dụng công nghệ 3D vào việc
cung cấp thông tin và quảng bá du lịch được đẩy mạnh với sản phẩm đáng
chú ý nhất là bản đồ du lịch tương tác thông minh kèm tính năng hướng
dẫn viên ảo tại các điểm đến được du khách đánh giá cao. Nhiều địa
phương khác như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Bình... cũng đẩy mạnh sử dụng
công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 360 độ thực tế ảo (VR 360),
thanh toán bằng hình thức quét mã QR... góp phần thúc đẩy phát triển du
lịch (Vũ Quỳnh, 2024). Cùng với đó, thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo
và tọa đàm với quy mô lớn về du lịch thông minh đã được tổ chức nhằm
tăng cường nhận thức của các cơ quan, ban, ngành có liên quan về du lịch
thông minh để từ đó có những phương thức thực hiện hiệu quả.
Nhờ đó, ngành du lịch đã và đang phát
triển và là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng
góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn
hóa... của đất nước và tạo ra hàng triệu việc làm. Theo Cục Du lịch Quốc
gia Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam
đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; khách nội địa
đạt 95,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch cả nước trong 9 tháng năm
2024 ước đạt 637,7 nghìn tỷ đồng (Chu Khôi, 2024).
Một số khó khăn, hạn chế
Dù có những chuyển biến tích cực, nhưng
việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch ở Việt Nam vẫn còn
không ít khó khăn, hạn chế. Mặc dù hiện nay, đã có rất nhiều văn bản
pháp quy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, với phát triển kinh
tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhưng lại thiếu văn
bản cụ thể quy định hay hướng dẫn triển khai phát triển du lịch thông
minh; thiếu mô hình du lịch thông minh bảo đảm tính hiệu quả. Từ đó, dẫn
đến tình trạng khi thực hiện phát triển du lịch thông minh, các địa
phương còn lúng túng và bộc lộ không ít bất cập.
Đa phần, mỗi địa phương chỉ sở hữu một
website quảng bá về du lịch với nội dung sơ sài, chưa phong phú và hấp
dẫn đối với du khách. Các hoạt động khác để xúc tiến, triển khai du lịch
thông minh vẫn còn rất thưa thớt.
Các công ty lữ hành online thương hiệu
toàn cầu, như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com… đang
độc chiếm thị trường với khoảng 80% thị phần. Trong khi đó, chỉ có
khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh du lịch trực tuyến, như:
Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, vntrip.vn… Nhìn chung, các
doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ
và vừa, kinh doanh nhỏ lẻ, hạn chế về vốn, nên việc đầu tư cho các ứng
dụng công nghệ còn manh mún, thiếu đồng bộ (Hồng Phúc, 2022).
Cơ sở hạ tầng cũng đang là một vấn đề
bất cập. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin (mạng lưới viễn thông,
trang thiết bị hiện đại đi kèm) ở các địa phương không đồng đều, chênh
lệch rõ rệt giữa khu vực đô thị với các vùng nông thôn, khu vực miền
núi… rất khó để phát triển du lịch thông minh hay xây dựng các sản phẩm
có yếu tố công nghệ cao.
Một khó khăn có thể kể tới là nguồn nhân
lực. Muốn phát triển du lịch thông minh, phải có nguồn nhân lực thông
minh. Tuy nhiên, các trường đào tạo du lịch hiện nay vẫn thiên về cách
dạy truyền thống, khả năng thích ứng công nghệ còn chậm. Để nhân sự đáp
ứng tốt mảng công nghệ trong du lịch, công ty thường phải bỏ chi phí,
thời gian đào tạo lại từ đầu.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhằm
phát triển du lịch bền vững, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau,
nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn tài nguyên, và cải thiện trải
nghiệm du khách.
Một là, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ
Cơ sở hạ tầng công nghệ đóng vai trò
quan trọng trong việc hỗ trợ và triển khai các ứng dụng công nghệ vào
hoạt động du lịch bền vững. Việt Nam cần tập trung đầu tư mạnh mẽ vào
phát triển mạng lưới internet tốc độ cao, mở rộng vùng phủ sóng 4G/5G,
và đảm bảo tính ổn định của hệ thống thông tin di động tại các khu du
lịch. Đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, nơi có tiềm năng du lịch lớn
nhưng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, cần đầu tư để cải thiện chất lượng dịch
vụ mạng và kết nối.
Ngoài ra, việc xây dựng các trung tâm dữ
liệu hiện đại và hệ thống lưu trữ đám mây sẽ giúp quản lý hiệu quả các
thông tin liên quan đến du lịch, bao gồm dữ liệu về tài nguyên du lịch,
hành vi du khách, và phân tích các xu hướng phát triển. Công nghệ
Internet vạn vật (IoT) có thể được ứng dụng để giám sát và quản lý các
khu du lịch thông qua hệ thống cảm biến thông minh, giúp quản lý năng
lượng, nước, và chất thải một cách hiệu quả hơn. Trong khi đó, trí tuệ
nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể được sử dụng để phân tích
dữ liệu về hành vi du khách, tối ưu hóa các chiến lược marketing và tạo
ra các trải nghiệm du lịch cá nhân hóa.
Hai là, xây dựng các chương trình đào tạo về công nghệ du lịch
Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa
khóa giúp Việt Nam ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch bền vững.
Để đáp ứng yêu cầu này, Việt Nam cần xây dựng các chương trình đào tạo
chuyên sâu về công nghệ du lịch trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là tại
các trường đại học chuyên ngành du lịch và công nghệ thông tin. Những
khóa học này nên tập trung vào các kỹ năng cần thiết như quản lý dữ
liệu, phát triển phần mềm du lịch, sử dụng công nghệ AI và Big Data
trong quản lý du lịch, cũng như các ứng dụng công nghệ xanh và năng
lượng tái tạo.
Đối với những người đã làm việc trong
ngành du lịch, việc tổ chức các khóa học ngắn hạn và các chương trình
đào tạo lại về công nghệ là rất cần thiết. Những khóa học này nên tập
trung vào việc nâng cao năng lực quản lý, khả năng sử dụng công nghệ
trong phân tích dữ liệu du khách, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám
sát các hoạt động du lịch theo thời gian thực. Sự hợp tác giữa các
trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cũng sẽ tạo điều kiện cho sinh
viên có cơ hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến và thực tế ngành
nghề.
Ba là, thúc đẩy hợp tác công tư trong ứng dụng công nghệ
Sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà
nước và doanh nghiệp tư nhân là yếu tố then chốt trong việc ứng dụng
công nghệ vào phát triển du lịch bền vững. Chính phủ cần tạo ra các cơ
chế khuyến khích đầu tư vào công nghệ du lịch thông qua các chính sách
ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh
nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Điều này sẽ giúp các doanh
nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch dễ dàng hơn trong việc triển khai các
giải pháp công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và hệ thống quản lý du
lịch thông minh.
Ngoài ra, các dự án hợp tác công tư về
phát triển hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ blockchain trong việc
quản lý và minh bạch thông tin về du lịch, hay các giải pháp thực tế ảo
(VR) để tạo ra trải nghiệm du lịch mới lạ có thể được triển khai rộng
rãi. Việc xây dựng các mô hình hợp tác này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro đầu
tư và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cả hai bên.
Bốn là, nâng cao nhận thức của du khách về du lịch bền vững
Một phần quan trọng trong chiến lược
phát triển du lịch bền vững là nâng cao nhận thức của du khách về tầm
quan trọng của việc bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương. Công nghệ
có thể đóng vai trò đắc lực trong việc giáo dục và khuyến khích du khách
tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm.
Các ứng dụng di động, trang web và nền
tảng kỹ thuật số có thể cung cấp cho du khách những thông tin cụ thể về
các địa điểm du lịch bền vững, cảnh báo về các hành vi gây hại cho môi
trường và văn hóa địa phương, cũng như hướng dẫn du khách tham gia vào
các hoạt động bảo vệ thiên nhiên. Các trò chơi tương tác, công cụ thực
tế tăng cường (AR), và các ứng dụng học tập trực tuyến cũng có thể giúp
nâng cao hiểu biết của du khách về các giá trị văn hóa và thiên nhiên mà
họ đang khám phá (Vuong và Nguyen, 2024). Ngoài ra, các nền tảng truyền
thông xã hội và các kênh truyền thông số có thể được sử dụng để thực
hiện các chiến dịch truyền thông về du lịch bền vững, từ đó tạo ra nhận
thức tích cực và lan tỏa thông điệp đến cộng đồng du khách toàn cầu.
Năm là, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh trong du lịch
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của du
lịch lên môi trường, việc áp dụng công nghệ xanh và các giải pháp tiết
kiệm năng lượng là vô cùng quan trọng. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và
điểm du lịch nên được khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, như: năng
lượng mặt trời và gió, cũng như triển khai các hệ thống quản lý nước
thông minh và giảm thiểu chất thải. Công nghệ xanh: như hệ thống cảm
biến thông minh để giám sát và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hệ thống
tái chế nước, và các giải pháp năng lượng tái tạo không chỉ giúp bảo vệ
môi trường mà còn giảm chi phí vận hành cho các doanh nghiệp du lịch.
Việc phát triển các khu du lịch sinh thái với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ
tạo ra những điểm đến du lịch thân thiện với môi trường và thu hút sự
quan tâm của du khách quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022), Quyết
định số 3570/QÐ-BVHTTDL, ngày 21/12/2022 ban hành Đề án "Ứng dụng công
nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du
lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
2. Chu Khôi (2024), Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch, truy cập từ https://vneconomy.vn/ha-nam-day-manh-thu-hut-dau-tu-vao-du-lich.htm#:~:text.
3. Hồng Phúc (2022), Phát triển Du lịch thông minh: Còn nhiều thách thức (Bài 2), truy cập từ https://baodantoc.vn/phat-trien-du-lich-thong-minh-con-nhieu-thach-thuc-bai-2-1664263226153.htm
4. Lưu Thị Thu Thủy (2020), Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam hiện nay: Vấn đề và Giải pháp, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 1, 45-51.
5. Lý Liệt Thanh (2023), Tăng cường chuyển đổi số ngành Du lịch, Tạp chí Tài chính, số 813, 146-148.
6. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017.
7. Vũ Quỳnh (2024), Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, truy cập từ https://nhandan.vn/phat-trien-he-sinh-thai-du-lich-thong-minh-post811421.html.
8. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024).
Further on informational quanta, interactions, and entropy under the
granular view of value formation.
https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo