TP HCMGiá vé tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng mỗi người một lượt, áp dụng từ ngày 1/1/2021.
Nghị quyết về ban hành phí tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được các đại biểu thông qua tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP HCM khóa IX, sáng 9/12. Theo đó, mức thu phí đối với người lớn là 35.000 đồng mỗi người một lượt đối với khách tham quan. Mức này tăng 15.000 đồng so với hiện nay.
Người khuyết tật, lực lượng vũ trang, trẻ em dưới 7 tuổi, người cao tuổi, người có công với cách mạng, hộ nghèo được miễn. Trẻ em từ 7 đến 16 tuổi, học sinh và sinh viên được giảm 50% giá vé.
Địa đạo Củ Chi có ba tầng, tỏa ra nhiều nhánh dài thông nhau, cách mặt đất 3-10 m. Du khách tham quan phải khom người khi đi vào tầng hầm đầu tiên. Ảnh: Quỳnh Trần.
Theo tờ trình của UBND thành phố, nguồn kinh phí thu được hàng năm từ phí tham quan vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu và nội dung công việc được giao. Việc điều chỉnh mức phí sẽ góp phần tăng nguồn thu để phục vụ việc phát huy giá trị di tích tốt hơn. Việc điều chỉnh phí cũng nhằm phù hợp với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và giá cả chung của toàn xã hội.
Ngoài ra, mức phí này cũng được tham khảo từ các di tích trong nước như khu di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), di tích Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)... Những nơi này đều có mức phí tham quan cao hơn so với phí tham quan hiện nay tại địa đạo Củ Chi.
Phòng họp Bộ tư lệnh Quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dưới địa đạo Củ Chi. Ảnh: Diadaocuchi.com.vn
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015 với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo. Địa đạo Củ Chi là nơi sống và làm việc của nhiều lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ... Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Địa đạo Củ Chi là công trình khoa học quân sự được bảo tồn tốt. Di tích bao gồm một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, dài hơn 200 km; được xây dựng tinh vi, phức tạp, bí ẩn với đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại thời bấy giờ.
Nơi đây còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân và kẻ địch từng đối đầu, những câu chuyện tình yêu, tình quân dân... TP HCM đang hoàn thiện hồ sơ để đệ trình lên UNESCO ghi tên Địa đạo Củ Chi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Hữu Công