Tập trung phát triển du lịch Đất Mũi
Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Đây là lợi thế cho huyện Ngọc Hiển được đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng tầm du lịch địa phương, để vươn xa và phát triển mạnh.
Hạ tầng cơ sở giao thông được đầu tư nên có đông khách trong và ngoài nước đến Đất Mũi tham quan.
Phát triển du lịch sẽ góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, huyện Ngọc Hiển đã và đang định hướng những bước tiến quan trọng để cùng với ngành chuyên môn tỉnh đầu tư những chiến lược trung và dài hạn du lịch Đất Mũi - Cà Mau”, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển thông tin. Cũng theo ông Lý Hoàng Tiến, hiện nay huyện đã và đang tập trung phát triển 40 điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, phát triển 5 làng nghề truyền thống, 4 sản phẩm mang tính đặc trưng của Đất Mũi, 4 tuyến du lịch. Đây là định hướng quan trọng của Chiến lược phát triển du lịch của huyện từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có trên 20.000ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100ha và được giới hạn: Từ đường Hồ Chí Minh ra Biển Đông với chiều rộng trung bình 1,4km và kéo dài từ ấp Khai Long, xã Đất Mũi đến hết khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, với chiều dài khoảng 15km.Kế hoạch phát triển du lịch sinh thái được huyện tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế Khu du lịch Đất Mũi; huyện còn tranh thủ mở rộng cho ngành Du lịch phát triển ở các xã: Tân Ân Tây, Viên An Đông, Viên An và thị trấn Rạch Gốc… Hình thành được các làng nghề khô, làng nghề mắm, vót đũa, bánh phồng tôm, khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, những đặc sản của địa phương; tăng cường công tác quản lý, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực, nghỉ dưỡng… Đồng bộ với các giải pháp để phát triển du lịch mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy những di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tăng cường các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, địa phương sẽ khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về vị trí địa lý, hệ sinh quyển độc đáo gắn rừng ngập mặn, văn hóa đời sống sông nước, biển đảo để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ấn tượng để níu chân du khách khi đặt chân đến Đất Mũi. Qua đó, huyện tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, ngân sách địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cà Mau và từng bước trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong hệ thống du lịch khu vực phía Nam. Mục tiêu phát triển, phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh Cà Mau; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc. Mục tiêu đề ra của huyện đến năm 2020 thu hút 700 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó có 5 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 105 tỷ đồng; năm 2030 đón 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu khoảng 240 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu Du lịch Quốc gia.Báo ảnh đất mũi