Đến với Phú Bình là đến với vùng giao thoa văn hóa giữa người Tày cổ và người Việt cổ, nơi quy tụ nhiều di tích lịch sử, văn hoá.
Hiện nay, huyện có gần 70 di tích lịch sử văn hóa; 24 đình; 25 chùa, nghè, miếu; 16 di tích cánh mạng và kháng chiến; sưu tầm phát hiện lập lý lịch cho 209 tài liệu, hiện vật; 95 bia ký; 9 chuông, khánh; 99 sắc phong và thần tích…
Gần đây nhất, theo kết quả phúc tra thẩm định trên hồ sơ 69 điểm của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, trong đó có 18 điểm di tích lịch sử; 18 điểm di tích kiến trúc nghệ thuật; 30 điểm di tích tín ngưỡng tôn giáo; địa điểm sản xuất thuốc súng phục vụ kháng chiến 1947 - 1952, tại xóm Đông Hồ (xã Thượng Đình); địa điểm Xưởng quân giới Tỉnh đội Thái Nguyên chế tạc đạn năm 1947, nhà ông Ngọ Quang Lộc - nơi diễn ra Hội nghị 6 tỉnh phía Bắc năm 1948 tại xóm Quyên (xã Bảo Lý).
Ngoài ra còn có các tài liệu hiện vật như ngọc phả thời Hùng Vương, ghi chép nguồn gốc tổ tiên nòi giống, sự tích các vị thần được thờ hộ biến ở các đình làng, đền, miếu, nghè, trong đó đáng quý hơn là sự tích về Thành Hoàng làng, anh hùng dân tộc Dương Tự Minh thời Lý. Cuốn Ngọc phả Việt Hùng triều Duệ Vương phụ quốc Công thần Tản Viên, Chi đệ, Cao Sơn, Quý Minh, Quan Phù, tam vi thượng đảng, ngọc phả cổ lục (chép lại thời Khải Định thứ 3 (1918). Bản Thôn Thần thành hoàng sự tích Dương Tự Minh sao lục năm Kiến Phúc nguyên niên (1883), Sắc phong đình An Châu (Nga My ). Sắc phong cho Dương Tự Minh và Thiều Dung, Diên Bình dưới triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 36 (1775)... Các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật như Đình Hộ Lệnh, Chùa Úc Kỳ, Đền Quán... đều được kiến tạo bởi các nghệ nhân từ cuối thế kỷ XVII, ngày nay còn tương đối nguyên vẹn... Đồn Úc Kỳ, Phương Độ xưa từng là địa điểm đóng quân khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu chống lại chúa Trịnh ở cuối thế kỷ XVIII. Làng Úc Sơn là quê hương của ông Đội Giá là bạn chiến đấu kề vai sát cánh với Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX. Các địa danh: kè Đá Gân, Ngã Tư Đồng Ẩu, Dốc làng Đình Cả... đều là chứng tích ghi lại những chiến công truy kích đánh Pháp và đánh Nhật của nhân dân huyện Phú Bình.
Cụm di tích Cầu Muối nằm tại xóm Cầu Muối (xã Tân Thành) gồm có 1 ngôi đình, 1 ngôi chùa, và 2 ngôi đền. Cụm di tịch nằm thế tựa sơn, cảnh mây núi bao phủ, gió mát quanh năm. Đình làng thờ Thần Hoàng, chùa thờ Phật, 1 ngôi đền Thượng Ngàn, ngôi thứ 2 thờ Đức Bà được xây dựng từ năm 1719. Các công trình được đắp đất, lợp lá. Đình thờ Dương Tự Minh, người có công giúp vua Lý chống giặc Tống, về sau được vua Lý phong Thần cho nửa thiên hạ suốt một dải đất từ Thượng Đu Đuổm đến Hạ lục đều được nhân dân thuộc các vùng đất này lập tôn thờ là Thần Hoàng… Hằng năm bà con trong xóm Cầu Muối tổ chức lễ hội vào ngày 4 tháng Giêng và ngày 19/9 âm lịch. Cụm di tích đình đền chùa Cầu Muối đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Một điểm di tích đáng chú ý đó là qua Đình Phương Độ về quê hương cách mạng Kha Sơn chúng ta mới thấy chất làng xóm thôn quê hiện lên rõ nét từ ngôi nhà năm gian mái lợp ngói vẩy rồng, đến lũy tre, giếng nước, ngôi chùa, cột đá... Đây là mô hình làng xóm theo kiểu đồng lũy phòng lũy phòng thủ ven sông Cầu…
Cùng với đầu tư của nhà nước, các công trình, điểm di tích trên đang được người dân địa phương gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo và trở thành điểm đến của khách du lịch. Hiện nay trên địa bàn huyện Phú Bình có 69 di tích, thì có 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 26 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, các di tích còn lại đang được người dân địa phương bảo vệ. Với ý thức trân trọng và tôn vinh những giá trị lịch sử văn hoá, trong những năm qua, huyện đã tích cực tuyên truyền thực hiện xã hội hóa để phục hồi, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của di tích trên địa bàn, nhằm huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp nhằm làm tốt công tác bảo tồn, giới thiệu, khai thác giá trị nhân văn trong các di tích, tạo điều kiện thuận lợi và giới thiệu cho du khách tiếp cận lịch sử, văn hóa và con người vùng đất Phú Bình.
Để tiếp tục duy trì, phát huy và khai thác tốt các giá trị của di tích, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn, tôn tạo các di tích, đặc biệt là đầu tư các khu di tích trọng điểm gắn với phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng ý thức và hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng. Phát huy sức mạnh của các cấp, ngành, toàn dân tham gia phát triển du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các loại hình du lịch văn hoá - sinh thái - sản phẩm văn hoá đặc trưng; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; đẩy mạnh phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá và phát triển du lịch, thu hút mọi nguồn đầu tư cho phát triển du lịch văn hoá của huyện, góp phần làm cho di tích trở thành cầu nối quan trọng của du lịch văn hóa, du lịch về nguồn. Nâng cao chất lượng công tác thiết kế, xây dựng, cải tiến chất liệu phục hồi di tích đảm bảo tính thẩm mỹ, kỹ thuật và tính bền vững cho công trình. Tăng sức sống cho mỗi di tích từ nội thất, trưng bày…
Tuy nhiên, do lượng di tích rất lớn, phong phú về loại hình, nằm rải rác ở nhiều địa bàn, số di tích được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ chưa nhiều, vì vậy, nhiều di tích hiện đã bị xuống cấp nhưng chưa được phục hồi, tôn tạo kịp thời nên có nguy cơ bị huỷ hoại, mất dấu tích; sự phát triển du lịch chưa tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh của huyện; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; một số di tích trọng điểm mặc dù đã được chú trọng đầu tư nhưng chưa khai thác hiệu quả tương xứng với tiềm năng…
Để giải quyết những vấn đề trên rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý di tích… Hiện nay, khu di tích lịch sử văn hoá vẫn trong tình trạng đầu tư ít, không đồng bộ, rất mong các cấp, các ngành sớm chỉ đạo xây dựng liên hoàn; quan tâm phê duyệt các dự án đầu tư, tôn tạo một số di tích lịch sử cách mạng kháng chiến; đầu tư, tôn tạo chống xuống cấp…
Nguồn : báo Thái Nguyên