Xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang có địa hình đa dạng, với 25 km bờ biển, trải dài cùng với dải núi bao bọc xung quanh. Đây là mảnh đất có nhiều cảnh đẹp nên thơ với Hòn Chông, Hòn Phụ Tử đã đi vào thi ca; có truyền thống văn hóa lâu đời, được hội tụ bởi ba nền văn hóa của người Kinh, Hoa và Khmer.
Lập nghiệp trên quê hương thứ hai
Ông Lâm Xinh, ngoài 70 tuổi, một trong những người Hoa sống lâu năm trên đất này tự hào: “Ban đầu, người Hoa đến với mảnh đất này chỉ có vài trăm người. Với tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, người Hoa nhanh chóng lập nghiệp trên quê hương thứ hai của mình - đất Bình An. Hiện nay, Bình An có trên 2.000 người Hoa đang sinh sống, chiếm trên 11% dân số toàn xã”.
Hoạt động kinh tế của người Hoa thể hiện sinh động nhất trong quan hệ sản xuất. Họ luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Người này có kinh nghiệm sản xuất sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác với quan niệm đơn giản: sống là phải biết giúp đỡ nhau! Không chỉ trong nội bộ người Hoa mà ngay cả với người Kinh và người Khmer trong vùng. Nhờ đó, ở Bình An, cộng đồng ba dân tộc luôn sống chan hòa, yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cả trong sản xuất và quan hệ xã hội hàng ngày.
Cùng với quá trình xây dựng cuộc sống mới, người Hoa đặc biệt chú trọng đời sống văn hóa tinh thần, nhất là tín ngưỡng, tôn giáo. Là những cư dân giỏi buôn bán, chài lưới, đi lại trên sông, biển nhiều nên người Hoa tin vào Thần Biển - vị thần bảo hộ cho cuộc sống của những người sống ở đảo, người đi sông, đi biển. Bởi vậy, các miếu, đình thần của người Hoa thường được xây dựng ở những vùng cửa sông, cửa biển...
Ngoài việc thờ các vị Thần Biển, người Hoa ở Bình An còn thờ “ông Ba Mươi” (Thần Hổ). Ngoài ra, người Hoa còn thờ cúng “ông Bổn” (Thổ thần) và tin thần linh sẽ bảo hộ đất đai, mùa màng, sức khỏe, độ trì sự bình yên cho nhân dân địa phương.
Đoàn kết xây dựng quê hương
Trong quá trình cộng cư giữa các dân tộc đã diễn ra sự giao lưu văn hóa trên nhiều lĩnh vực, cả trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần... Trải qua quá trình khai khẩn đất đai, chinh phục thiên nhiên, cộng đồng các dân tộc ở Bình An đã cùng nhau sát cánh xây dựng quê hương. Ông Sử Di, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa, xã Bình An cho biết: Có những tín ngưỡng thể hiện đậm sự giao lưu văn hoá của cả ba dân tộc, nhất là vào các ngày lễ, tết như: Tết Nguyên đán, cúng đình, lễ giáng sinh, lễ Phật đản; lễ Chol Chnam Thmây, Sene Đônta, Ok om bok; lễ cúng ông Bổn, ông Hổ...
Ở Bình An, nếu như người Khmer rất coi trọng nghề nông nghiệp thì người Hoa giỏi buôn bán, canh tác vườn rẫy, đặc biệt là trồng tiêu; người Kinh giỏi đi biển và các nghề thủ công. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, người Khmer đã học cách trồng hồ tiêu từ người Hoa, ngược lại người Hoa học cách làm đường thốt nốt, trồng lúa nước, hoa màu của người Khmer. Cùng với người Kinh, người Hoa và người Khmer ngày càng có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc chung của địa phương; góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương. Tỷ lệ đồng bào dân tộc Hoa, Khmer tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, giữ các cương vị xã hội ngày càng nhiều. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được cộng đồng ba dân tộc quan tâm.
Ông Lương Hoàng Đặng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Kiên Lương khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào DTTS, đồng bào 3 dân tộc nơi đây ngày càng tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp và thêm gắn bó với mảnh đất Bình An; từ đó chung tay xây dựng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc nơi cực Nam Tổ quốc.
Nguồn : Báo DT&PT